2016 phá kỷ lục, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử
Những số liệu mới nhất vừa được công bố chính thức xác nhận các dự đoán trước đó về việc năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử, với mức tăng nhiệt độ xấp xỉ mục tiêu giới hạn được gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt ra nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/1 cho biết năm 2016 đã vượt qua năm 2015 để thiết lập kỷ lục là năm nóng nhất kể từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ các hồ sơ đáng tin cậy về nền nhiệt trên Trái Đất.
Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,2 độ C, ở mức 14,8 độ C, tức là cao hơn 1,3 độ C so với giai đoạn trước cuộc Cách mạng công nghiệp – đánh dấu bằng việc sử dụng rộng rãi các loại nhiên liệu hóa thạch vốn được xem là nguyên nhân thúc đẩy hiện tượng Trái Đất nóng lên. So với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015 với đề xuất hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp thì con số 1,3 độ C được xem là đã “sát ngưỡng nguy hiểm.”
Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus, ngoài nguyên nhân từ các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xả vào bầu khí quyển do hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ Trái Đất năm 2016 cũng chịu tác động của hiện tượng thời tiết El Nino tại Thái Bình Dương.
Bắc Cực là khu vực chứng kiến sự tăng nhiệt độ rõ nét nhất trong năm 2016, trong khi nhiều khu vực khác trên Trái Đất, như các vùng thuộc châu Phi và châu Á, cũng hứng chịu nền nhiệt cao bất thường. Trong khi một số vùng thuộc Nam Mỹ và Nam Cực lại có nhiệt độ thấp hơn giai đoạn trước đó.
Chỉ riêng trong tháng 2/2016, nhiệt độ Trái Đất đã tăng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Nhiệt độ tăng cao trong năm qua được cho là nguyên nhân gây ra cháy rừng, nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus cho biết cơ quan này có thể đưa ra những dữ liệu sớm nhất về nhiệt độ năm 2016 bằng cách tổng hợp kết quả quan sát từ các trạm theo dõi nhiệt độ và dữ liệu vệ tinh vốn được dùng để dự báo thời tiết.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc, cơ quan phụ trách chính về theo dõi nhiệt độ toàn cầu, thường công bố kết quả nghiên cứu chậm hơn vài tuần vì phải tổng hợp số liệu đo đạc từ các nguồn khác như tàu, phao và khí cầu khí tượng. Kết quả nghiên cứu của hai cơ quan này được dự báo là “khá tương đồng” mặc dù có thời điểm công bố khác nhau./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()