2016 là năm nóng nhất trong vòng 136 năm qua
Năm 2016 là năm nóng nhất trên trái đất kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê nhiệt độ vào năm 1880. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp có nhiệt độ cao kỷ lục – một thực tế chưa từng có trong lịch sử.
Theo nghiên cứu được Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 18/1, với mức tăng kỷ lục trong suốt 8 tháng đầu năm, nhiệt độ trên bề mặt đất và đại dương trong năm 2016 đã cao hơn 0,94°C so với mức trung bình của thế kỷ XX (đã là 13,9°C), vượt qua cả kỷ lục của năm 2015 là 0,04°C.
Một phân tích độc lập, tách riêng những dữ liệu về nhiệt độ, do NASA thực hiện cũng cho thấy rằng 2016 là năm nóng nhất trong vòng 136 năm qua.
“Chúng tôi không mong đợi những kỷ lục về nhiệt độ mỗi năm song xu hướng nóng lên trong dài hạn là rất rõ ràng” – nhà khí tượng học Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Goddard của NASA lưu ý. Nhiệt độ trung bình trên trái đất đã tăng khoảng 1,1°C từ cuối thế kỷ XIX, chủ yếu là kết quả bắt nguồn từ sự gia tăng lượng khí carbon dioxide (CO2) trong khí quyển.
Tháng 9/2016 đánh dấu kết thúc những tháng nóng kỷ lục liên tiếp trong vòng 16 tháng, một phần là do hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển ở vành đai xích đạo Thái Bình Dương El Nino. Hiện tượng này đã bắt đầu tiêu tan kể từ mùa xuân.
Từ đầu thế kỷ XXI, trái đất đã trải qua 5 năm có nhiệt độ kỷ lục là các năm 2005, 2010, 2014, 2015 và 2016.
Năm bất thường về khí hậu
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 18/1 cũng cho biết trong năm ngoái, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu và trên các bề mặt đại dương cao hơn khoảng 1,1°C so với giai đoạn tiền công nghiệp, chủ yếu do những hoạt động của con người trong bối cảnh nồng độ khí CO2 và khí me
Còn theo ông Piers Forster, Giáo sư về khí hậu tại Đại học Leeds (Anh), “thậm chí nếu chúng ta không tính hiện tượng nóng lên do El Nino thì năm 2016 vẫn là năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại”.
Trong bối cảnh đó, nhà khí tượng học tại Đại học London (Anh) Mark Maslin chỉ rõ “biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI và không cho thấy bất kỳ một dấu hiệu chậm lại nào”. Theo ông, việc loại bỏ carbon của nền kinh tế toàn cầu là mục tiêu cuối cùng để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm cả mực nước biển dâng cao và tăng tần suất xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan.
Để giảm thiểu các tác động của sự nóng lên toàn cầu, 195 nước đã ký Thỏa thuận Paris vào cuối năm 2015 bày tỏ sự cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Băng Bắc Cực tan nhanh
Tính cho cả năm 2016, nhiệt độ trên bề mặt đất đã cao hơn 1,43°C so với mức trung bình của thế kỷ XX, là mức cao nhất kể từ năm 1880, đánh bại kỷ lục trước đó của năm 2015 là 0,10°C.
Nhiệt độ ở bề mặt đại dương cũng cao hơn 0,75°C so với mức trung bình của thế kỷ XX. Đây cũng là mức nhiệt ấm nhất trong khoảng thời gian 1880 – 2016.
Theo Trung tâm dữ liệu Băng tuyết quốc gia Mỹ, băng tại Bắc Cực tiếp tục tan chảy: diện tích băng nổi trên đại dương là khoảng 10,1 triệu km2, mức diện tích nhỏ nhất được đo lường kể từ khi bắt đầu tiến hành quan sát bằng vệ tinh vào năm 1979.
Ngoài ra, báo cáo của WMO cũng ghi nhận độ dày của băng tại biển Bắc Cực tiếp tục giảm xuống những mức rất thấp. Theo đó, băng tại Greenland bắt đầu tan sớm và nhanh hơn so với trước đây và đây là một trong trong những nguyên nhân chủ yếu khiến mực nước biển tăng. Băng tại Bắc Cực tụt xuống mức thấp kỷ lục.
Bắc Cực đã trải qua năm 2016 với 12 tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê trong khu vực này vào năm 1900, khiến băng tan chảy ở mức chưa từng có và làm chậm sự hình thành băng mới vào mùa thu.
Đối với Nam Cực, diện tích băng trung bình hàng năm trên các đại dương ở mức nhỏ thứ hai trong lịch sử với 11,1 triệu km2, giảm đến mức chưa từng có trong tháng 11 và tháng 12./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()