2013: Ghi nhận sự phục hồi đáng kể của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Năm 2013 kinh tế Việt Nam vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn thách thức, trong đó phải chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài đó là kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam chưa cải thiện nhiều…Tuy nhiên, năm 2013 vẫn ghi nhận sự phục hồi đáng kể của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: dddn.com.vn) |
Khó khăn của nền kinh tế trong nước thể hiện ở sức mua của người dân chưa hồi phục, giá một số hàng hoá nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên ngày càng gia tăng, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng do tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên việc vay vốn để đầu tư của các doanh nghiệp còn hạn chế… đã có tác động nhất định đến giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ, cũng như các chương trình đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Những yếu tố bất lợi trên tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động ít việc làm… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư …
T rước tình hình đó, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp, nên nền kinh tế nước ta vẫn giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Xuất khẩu tăng trưởng khá, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, thị trường cung cầu hàng hoá cơ bản được đảm bảo.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 ( theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 0,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,1%. Những ngành có tốc độ tăng cao gồm: sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 42,9%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 41,5%; sản xuất sợi tăng 40%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 36,1%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 35,8%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 26,3%… Tuy nhiên, có một số ngành giảm so với cùng kỳ gồm: khai thác khí đốt tự nhiên giảm 3,8%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 4,2%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 2,8%; sản xuất bàn, ghế, giường, tủ giảm 1,6%…
M ột số ngành công nghiệp sản x uất 12 tháng 201 3 tăng cao so cùng kỳ gồm: ngành dệt (sợi, hàng may mặc trừ trang phục), sản xuất thiết bị điện và xe có động cơ, tăng trên 20%; sản xuất da và sản phẩm liên quan, giày dép, cấu kiện kim loại tăng trên 15%… Những ngành công nghiệp có tốc độ sản xuất năm 201 3 giảm so với năm 201 2 gồm: ngành khai khoáng: khai thác than cứng và than non giảm 1,8%, khai thác dầu thô giảm 0,2%, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét giảm 5,3%; ngành chế biến chế tạo: sắt, thép, gang giảm 2,6%, đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 17%, sản xuất bàn, ghế, giường, tủ giảm 5,8%…
Đặc biệt, sản xuất công nghiệp năm 2013 ghi nhận sự phục hồi đáng kể của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. So với cùng kỳ năm trước, Quý I tăng 5,3%, Quý II tăng 6,9%, Quý III tăng 7,8% và Quý IV tăng 10,1%, tính chung cả năm tăng 7,4% (năm 2012 tăng 5,5%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xét về mức tăng trưởng đứng thứ ba nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của năm 2012 và chiếm khoảng 71% giá trị tăng thêm của toàn ngành. Trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm, sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác giảm 0,1 điểm %.
Sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao tập trung ở các ngành có thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng lớn như: dệt may, da giầy và thị trường trong nước tiêu thụ tốt như: sản phẩm thiết bị điện, xe có động cơ… đã góp phần đáng kể vào mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2013. Điều này cho thấy công tác phát triển thị trường cả trong và ngoài nước rất quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của những năm trước; chỉ số tồn kho giảm mạnh. Tại thời điểm 01 tháng 12 năm 2013 tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 01 tháng 01 năm 2013.
Cũng t heo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng. Nếu như tính từ thời điểm 01 tháng 01 năm 2013, chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng thời điểm thì đến 01 tháng 12 năm 2013 chỉ số tồn kho tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với mức tăng chung: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,8%, dệt tăng 6,3%; những ngành có chỉ số tồn kho giảm là: sản xuất linh kiện điện tử giảm 52,6%, sản xuất vải dệt thoi giảm 45,7%, sản xuất xe có động cơ giảm 37,8%, sản xuất đồ uống giảm 21,9%, sản xuất pin và ắc quy giảm 12,3%, sản xuất sản phẩm phi kim loại giảm 11,3%, sản xuất trang phục giảm 1,4%…
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2013, bước vào năm 2014, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã khẩn trương hoàn thành việc giao kế hoạch cho các đơn vị, các doanh nghiệp…Các đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chương trình công tác năm 2014 của Bộ và của đơn vị, phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch 2014 đã đề ra ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu năm 2014. Hy vọng với sự nỗ lực ngành nói riêng và của doanh nghiệp nói chung, sản xuất công nghiệp năm 2014 sẽ đạt được những thành tựu mới, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()