20 năm gắn bó với Trung thu truyền thống
Gần như là nơi đầu tiên đưa các nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống trở lại với công chúng trong các hoạt động lễ, tết, đặc biệt là Tết Trung thu, cho đến nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã có đến 20 năm gắn bó với đồ chơi truyền thống.
Chương trình Trung thu 2022 thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam |
Sau 2 năm tạm ngừng vì dịch Covid-19, mùa Trung thu năm nay Bảo tàng mới tổ chức lại chương trình Trung thu. Từ đầu tháng 8, hàng nghìn bạn trẻ là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội đã tham gia phỏng vấn tuyển tình nguyện viên. Số lượng người đến với chương trình Trung thu 2022 cũng rất đông, vừa do trong hai năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh không có nhiều các hoạt động, và cũng do sức hút và chất lượng của các chương trình Trung thu do Bảo tàng tổ chức đã tạo được uy tín, tên tuổi trong suốt 20 năm qua.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền trầm tư bên những chiếc đèn kéo quân của mình. |
Năm nay, trở lại với Bảo tàng vẫn là những nghệ nhân làm đồ chơi quen thuộc, với những món đồ đã gắn bó với họ cả cuộc đời và gắn bó với Trung thu ở Bảo tàng 20 năm nay. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm đèn kéo quân, nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh làm con giống, mâm ngũ quả bằng bột, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa làm mặt nạ giấy bồi, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết làm đèn sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, nghệ nhân Nguyễn Đình Hổ làm tò he…
Vẽ mặt nạ giấy bồi. |
Chị An Thu Trà, Trưởng phòng Truyền thông và Công chúng của Bảo tàng cho biết, Bảo tàng mong muốn thông qua chương trình để tôn vinh các nghệ nhân dân gian. “Điều đáng trân trọng là có những món đồ chơi truyền thống tưởng chừng đã mất đi, qua 20 năm đã trở lại với đời sống trong các chương trình Trung thu. Các nghệ nhân trước đó chỉ làm đồ chơi trong khuôn khổ làng xóm, gia đình, nhưng chúng tôi đã kiên trì thuyết phục họ đến trình diễn tại Bảo tàng. Ban đầu chỉ có một vài khán giả, bây giờ đã có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia buổi trình diễn của các nghệ nhân”.
Đến nay, các nghệ nhân do Bảo tàng mời về từ thủa ban đầu đó đã trở thành khách mời thường xuyên của những chương trình Trung thu khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là niềm tự hào của các nghệ nhân và của những người làm Trung thu ở Bảo tàng.
Bé tập làm bánh dẻo. |
Trong 20 năm qua, mỗi năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều tổ chức chương trình Trung thu với những chủ đề khác nhau, từ các địa phương, các dân tộc trong cả nước, cho đến Tết Trung thu của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và luôn khai thác các yếu tố truyền thống.
Theo chị An Thu Trà, việc phải tìm những chủ đề mới cho mỗi năm cũng là thử thách đối với những người làm sự kiện Trung thu của Bảo tàng, nhưng đây cũng là động lực để cả ê kíp tìm tòi, nghiên cứu, suy nghĩ và luôn có những ý tưởng mới. Như năm nay, đề tài “Sức sống đồ chơi truyền thống” hoàn toàn không mới, nhưng những người làm chương trình đã đưa thêm nhiều yếu tố mới mẻ vào để thu hút công chúng, đặc biệt là các bạn nhỏ.
Các em nhỏ háo hức múa lân thử. (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) |
Năm nay, Bảo tàng mở ra các nội dung đa dạng và làm mới cách thức tổ chức để tăng cường sự chủ động của công chúng nhỏ tuổi và của các nghệ nhân, hai chủ thể chính của chương trình Trung thu. “Đối với nghệ nhân, chúng tôi để họ chủ động lựa chọn các thể loại đồ chơi mà mình mong muốn giới thiệu, và cũng để họ chủ động bán trực tiếp đồ chơi đến với công chúng, khác với trước đây là thông qua Bảo tàng. Đối với học sinh hoặc các khách tham quan nhỏ tuổi, chúng tôi cũng tạo ra các hoạt động mang tính chủ động, như như khuyến khích các em tham gia vào quá trình làm đồ chơi, đặt các câu hỏi với các nghệ nhân hay người trình diễn” – chị cho biết.
Năm nay, không chỉ tham gia làm đồ chơi, các em nhỏ còn có thể trình diễn thử múa lân, gõ chũm chọe, thanh la, đóng giả ông Địa trong trò múa lân, điều chưa từng có ở các chương trình năm trước.
Các em nhỏ dán tranh vải bằng nguyên liệu tái chế. |
Ngoài ra, năm nay Bảo tàng còn có thêm các hoạt động chú trọng yếu tố sáng tạo, như ghép tranh vải bằng nguyên liệu tái chế, làm đèn lồng gỗ với các chi tiết trang trí liên quan đến Trung thu. Đây là những sáng tạo hiện đại trên nền đồ chơi truyền thống, khuyến khích các em nhỏ vừa sáng tạo, vừa học hỏi và áp dụng những kiến thức đã học.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chỉ là một hạt cát bé nhỏ, cố gắng hết sức để có thể truyền tải các đồ chơi, trò chơi dân gian lại cho các thế hệ sau thông qua các hoạt động tại đây, tuy nhiên cũng cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, các địa phương nơi nghệ nhân sinh sống, hay có các làng nghề để có các biện pháp bảo tồn.
(Chị An Thu Trà, Trưởng phòng Truyền thông và Công chúng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
Một điều mà đội ngũ những người làm chương trình ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trăn trở, lo lắng, là hầu hết các nghệ nhân gắn bó với Bảo tàng đều đã cao tuổi. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền sinh năm 1937, nghệ nhân Phạm Thị Ánh sinh năm 1947, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa sinh năm 1954… Có những nghệ nhân đã qua đời, như nghệ nhân Nguyễn Văn Xuân làm đèn ông sư, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng làm tàu thủy sắt tây vừa mất đầu năm nay. Các nghệ nhân đều đã cao tuổi và hầu hết đều không có ai theo nghề, giữ nghề. Đó là điều vô cùng đáng tiếc, và đã đến lúc chúng ta cần có những kế hoạch, dự án dài hơi để bảo tồn, gìn giữ những món đồ chơi dân gian, cũng là nét văn hóa truyền thống độc đáo, giống như bảo tồn những di sản văn hóa khác.
Ý kiến ()