2 thẻ đỏ, 2 quả phạt đền: U23 Việt Nam vỡ mộng dự Olympic vì lỗi cá nhân
Những tấm thẻ đỏ, phạt đền hay lỗi cá nhân khiến U23 Việt Nam phải trả giá bằng chính giấc mơ giành vé dự Olympic Paris 2024.
Vòng chung kết U23 châu Á 2024 kết thúc với U23 Việt Nam sau thất bại trước U23 Iraq. Giấc mơ giành vé dự Olympic Paris 2024 chính thức khép lại theo cách không thể nghiệt ngã hơn. U23 Việt Nam chơi trận đấu hay nhất từ đầu giải nhưng gục ngã vì một quả phạt đền và tấm thẻ đỏ đều xuất phát từ lỗi cá nhân sơ đẳng.
Thống kê đáng báo động
Sau 3 trận vòng bảng, U23 Việt Nam đã phạm lỗi 38 lần. Con số này khiến Văn Khang và đồng đội vào nhóm top 5 đội phạm lỗi nhiều nhất vòng bảng (U23 Trung Quốc 46 lần, U23 Tajikistan 45 lần, U23 Indonesia lần và U23 Kuwait 44 lần). U23 Việt Nam gặp khó khăn cũng bởi những "cánh tay" thừa.
Trong 8 đội góp mặt ở tứ kết, U23 Việt Nam thuộc nhóm phạm lỗi nhiều nhất vòng bảng. U23 Việt Nam chỉ xếp sau U23 Indonesia ở chỉ tiêu này. Với 38 lần phạm lỗi, dễ hiểu khi U23 Việt Nam phải nhận tới 8 thẻ phạt, trong đó có 7 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ (trực tiếp).
Tính riêng ở cuộc đọ sức với U23 Iraq, U23 Việt Nam phạm lỗi 10 lần nhưng phải nhận 2 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ trực tiếp. Ngoài ra, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn chịu thêm phạt đền ở phút 64. Trước đó, U23 Việt Nam cũng bị thổi quả 11 mét trong trận ra quân gặp U23 Kuwait.
U23 Việt Nam thi đấu đầy nỗ lực nhưng giấc mơ viết nên lịch sử bằng tấm vé đến Olympic Paris sụp đổ bởi "vấn nạn" thẻ đỏ và phạt đền.
Cần nhìn nhận rằng, các trọng tài ở giải U23 châu Á 2024 nghiêm khắc nhưng không làm sai luật. Thay đổi lớn nhất là việc các vị vua áo đen quyết liệt hơn khi rút thẻ phạt. Nhưng U23 Việt Nam vẫn giữ thói quen "tay thừa". Lỗi của Văn Chuẩn, tấm thẻ đỏ của Ngọc Thắng, 2 thẻ vàng ngớ ngẩn của Đức Việt và Hồng Phúc đều xuất phát từ hành động vô thức.
Bài học đắt giá
Vòng chung kết U23 châu Á 2024 là giải đấu trẻ cuối cùng của nhiều cầu thủ trẻ. Nguyên Hoàng, Văn Chuẩn, Duy Cương, Văn Tùng...sẽ bước vào một hành trình mới. Nhưng nhiều người khác vẫn tiếp tục con đường với SEA Games, U23 châu Á hay thậm chí là U20 châu Á.
Thất bại, thẻ phạt, lỗi cá nhân dẫn đến bàn thua là bài học đắt giá dành cho Mạnh Hưng và nhiều đồng đội cùng trang lứa. Họ cần hiểu rằng cá nhân mắc lỗi nhưng cả tập thể phải chịu hậu quả.
Phân tích về lỗi của cầu thủ trẻ ở giải lần này, bình luận viên Quang Tùng nói: "Tôi ví dụ về hành động phạm lỗi của Ngọc Thắng. Đây là phản ứng thiếu tính toán của người trẻ thôi. Nhiều người cho rằng pha phạm lỗi này ấu trĩ, nhưng đó là phản ứng tức thời khi gặp nguy cơ từ tiền đạo đối phương.
Họ không cân nhắc được đâu là phản ứng phù hợp, khi đó phạm lỗi là khó tránh khỏi. Đã phạm lỗi thì nhận thẻ, khi có VAR thì thẻ đỏ là khó tránh. Lỗi hệ thống phòng ngự của U23 Việt Nam cũng là vấn đề. Tôi chỉ mong họ hiểu rằng quyết định sai lầm của mình có thể phải trả giá đắt. Cầu thủ trẻ phải cải hiện khả năng ra quyết định".
Suy cho cùng, đích đến của U23 Việt Nam là cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Không có những va vấp như vậy, rất khó để cầu thủ trẻ có thể trưởng thành. Các huấn luyện viên chính là những người thầy dìu dắt họ đi qua khúc cua quan trọng của sự nghiệp. Bản thân mỗi cầu thủ phải hiểu giá trị bài học mà mình nhận được.
"Cầu thủ U23 Việt Nam nhiều người còn đá được 1 hoặc 2 kì SEA Games nữa. Tôi nghĩ rằng họ sẽ tốt hơn rất nhiều nếu biết cách sửa chữa lỗi của mình. Một số người mắc thói quen từ các giải trẻ, sửa lỗi không phải chuyện trong một sớm một chiều. Cầu thủ phải rất quyết tâm để từ bỏ tiểu xảo trong thời đại bóng đá có VAR", cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong nói.
U23 Việt Nam sẽ trở về nước trong ít ngày tới. Văn Chuẩn và đồng đội trở lại sân chơi chuyên nghiệp - nơi họ trui rèn chuyên môn và bản lĩnh hàng ngày, hàng tuần. Người hâm mộ chờ đợi lứa cầu thủ U23 Việt Nam sẽ trưởng thành và phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.
Ý kiến ()