17 tham luận tại hội thảo khoa học “Một số thành tựu công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và khả năng ứng dụng tại Lạng Sơn”
LSO-Ngày 22/11/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội thảo khoa học “Một số thành tựu công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và khả năng ứng dụng tại Lạng Sơn”.
Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp cùng lãnh đạo, đại diện các sở, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn có trên 518.000 ha diện tích rừng, trong đó, trên 293.000 ha rừng tự nhiên, 225.000 rừng trồng. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội và sự chủ động từ phía doanh nghiệp và người dân công tác trồng rừng đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Từ năm 2000 đến 2018, độ che phủ rừng được nâng từ 33,8% lên 62,43%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 3.447 tỷ đồng, chiếm 19,46% trong nội ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu các sản phẩm lâm nghiệp trong GRDP năm 2018 đạt 6,25%.
Đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nhà khoa học phân tích những hạn chế, khó khăn của tỉnh cũng như đưa ra giải pháp phát triển sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Đồng chí yêu cầu lãnh đạo, đại diện các sở, ngành, địa phương nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học và chú trọng phát triển sản xuất lâm nghiệp trong thời gian tới.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày, đóng góp 17 tham luận về: bảo tồn nguồn gen cây hoàng đàn Hữu Liên và các loại cây bản địa quý hiếm tại khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên; hiện trạng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong phát triển giống cây lâm nghiệp; bảo tồn, nhân giống cây dược liệu ở Lạng Sơn bằng kỹ thuật nhân giống in vitro; nâng cao hiệu quả quản lý cháy rừng bằng công nghệ tiến tiến; quản lý diễn biến tài nguyên rừng thông qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh; phần mềm truy xuất và quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp; công nghệ biến tính gỗ…
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()