17 năm thắc thỏm lo âu vì "xuống tay" với tình địch
Chiều 19/8/1991, được đơn vị cho cắt phép về thăm gia đình, Điệp háo hức đến quán cà phê nơi người yêu đang bán hàng và sững sờ khi thấy bạn gái đang nắm tay một người đàn ông khác…
Trinh sát vùng cao kể chuyện bắt tội phạm truy nã
Đồng Quang Điệp |
Trong phút ngông cuồng, Điệp bắn chết người rồi cùng người yêu bỏ trốn. 17 năm sống ẩn dật, nhưng quá khứ vẫn không để họ yên, dù vợ chồng Điệp đã là giáo viên.
Sau khi gây án, nhiều người vi phạm pháp luật đã chọn con đường bỏ trốn. Suốt thời gian ấy, họ luôn phải sống trong lo sợ dù hàng chục năm trôi qua nhưng tội vẫn còn tội. Và mỗi khi tết đến xuân về, các trinh sát vùng cao có dịp nhớ lại những vụ bắt truy nã mà phải rất nhiều mùa xuân qua đi mới có kết quả.
Vợ chồng Đồng Quang Điệp 17 năm liền sống trong thắc thỏm lo âu. Mỗi ngày qua đi, nhìn hai con dần khôn lớn, họ lại càng không đủ can đảm để ra trình diện. Đến một ngày, khi Điệp đã trở thành một kế toán, quá khứ của anh ta bị lật tẩy.
Một phút cuồng ngông
Ngày ấy, Điệp mới là chàng trai 22 tuổi, công tác tại một đồn biên phòng ở Quảng Ninh. Người yêu của Điệp là Lê Thuý Hà, trú tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long, nên thi thoảng có ngày nghỉ, Điệp lại đạp xe về thăm người yêu.
Tình yêu của cô gái trẻ với anh lính biên phòng đã giúp Điệp thêm động lực phấn đấu những ngày trong quân ngũ. Những lá thư chứa đựng tình cảm của Điệp với nỗi mong nhớ thường xuyên gửi về cho người yêu như hun đúc cho mối tình của họ thêm khăng khít.
Chiều 19/8/1991, được đơn vị cho cắt phép về thăm gia đình, Điệp háo hức đến quán cà phê nơi người yêu đang bán hàng và sững sờ khi thấy bạn gái đang nắm tay một người đàn ông khác…
Cố kiềm chế cảm xúc, Điệp chủ động mời người đàn ông kia ra ngoài rồi tuyên bố mình là người yêu của Hà, nhưng người đàn ông này cho rằng, vì Hà chưa lấy chồng thì anh ta vẫn có quyền theo đuổi.
Điệp tuyên bố “sẵn sàng chết vì người yêu” và rút khẩu súng mang theo gí vào đầu “tình địch”, uy hiếp… Theo phản xạ, người đàn ông này đưa tay gạt khẩu súng ra. Súng nổ và người đàn ông gục xuống.
Trong tâm trạng hoảng loạn, Điệp vội vã đón xe khách lên Quảng Hà, Quảng Ninh. Khi đến nhà bác ruột, Điệp gọi điện về cho bố mẹ kể vụ việc, xin bố mẹ tha thứ vì sẽ không về nhà nữa. Trong lúc rối trí, Điệp tính sẽ đi đâu đó thật xa và anh ta chợt nhớ tới một người bạn cùng đơn vị ở thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Ngày đầu mới vào Văn Bàn, Điệp làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Dù sống ẩn dật nơi rừng rú vì sợ bị bắt song anh ta vẫn tìm cách liên hệ với người yêu và một năm sau, Điệp đã đưa người yêu lên Lào Cai. Đôi vợ chồng tội lỗi này bắt đầu cuộc sống từ rất nhiều “thứ không” như: không hôn thú, không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không bà con thân thích, không tấc đất cắm dùi và không một chút tài sản. Họ làm thuê, cuốc mướn, sống tạm bợ trong lán đi nương của người dân hết ngày này qua ngày khác. Những đêm co ro trong giá lạnh, có đôi lần họ bàn nhau về tự thú nhưng rồi lại nấn ná. Khi Hà sinh đứa con đầu lòng thì ý nghĩ ra chịu tội ngày càng được họ ít nhắc đến.
Được một người dân thương tình cho mượn đất, vợ chồng Điệp dựng ngôi nhà tạm, mở quán bán hàng ăn và chăn nuôi. Khi kinh tế khá giả, Điệp may mắn được nhận vào làm việc tại trường mầm non Hoa Hồng, còn vợ Điệp xin đi học trung cấp sư phạm rồi trở thành giáo viên cấp một tại một trường tiểu học ở Văn Bàn. Có “chỗ đứng” nhất định, nhưng mỗi khi tết đến xuân về, nghe con trẻ nhắc đến ông bà nội, ngoại, họ lại thấy bứt rứt. Quá khứ mà họ cố chôn vùi cứ vô tình bị gợi lại làm vợ chồng Điệp đứng ngồi không yên. Luôn sống trong lo sợ nên không ít lần được cơ quan giới thiệu vào Đảng, vợ chồng Điệp luôn tìm cách từ chối vì sợ hành vi của mình năm xưa bị lật tẩy.
Với các trinh sát vùng cao, một chuyến đi bắt tội phạm có khi dài nửa tháng trời |
Ngần ấy thời gian Điệp bỏ trốn cũng là ngần ấy năm cán bộ Phòng anh ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh dõi tìm tung tích. Đầu tháng 1/2008, khi có thông tin về Điệp, các trinh sát của đơn vị này đã thông báo cho Công an tỉnh Lào Cai, nhờ đơn vị bạn xác minh.
Những ngày ở Văn Bàn, các trinh sát thấy căn nhà nhỏ của Điệp nằm ở góc phố nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười con trẻ nên cũng ái ngại. Không nỡ bắt hắn ở nhà vì sợ làm ảnh hưởng đến bọn trẻ, các trinh sát quyết định bắt Điệp tại nơi làm việc. Sáng 4/1/2008, chờ cho Điệp ăn sáng xong rồi đến nơi làm việc, các trinh sát mới bước vào đọc lệnh bắt. Mặc dù biết ngày này thế nào rồi cũng đến thế nhưng khi thấy sự xuất hiện của các trinh sát, phải đối mặt với sự thật, Điệp vẫn không làm chủ được cảm xúc của mình. Người đàn ông ấy quỵ xuống khóc nức nở… Cả thị trấn của huyện miền núi hẻo lánh bỗng xôn xao trước tin dữ. Không chỉ đồng nghiệp mà những người quen biết với vợ chồng Điệp trong gần hai chục năm qua cũng tỏ ra bất ngờ. Người tỏ ra cảm thông, ái ngại với hoàn cảnh của vợ Điệp, người khác thì có ánh mắt lo sợ…
Trước khi theo các trinh sát lên chuyến xe bịt bùng, Điệp ngoảnh mặt nhìn lại phố núi, nơi đã che chở anh ta trong suốt những ngày qua. Điệp nói với các trinh sát: “em chỉ mong mỏi làm sao mọi người ở nơi đây dành cho vợ con em ánh mắt khoan dung độ lượng”. Gần hai chục năm sống trong tâm trạng lo âu, phấp phỏng nhưng để ra đầu thú, vợ chồng Điệp lại không đủ can đảm. Họ tạo dựng được vật chất nhưng tâm can không yên, bởi có lẽ họ linh tính, gây tội ác thì không tránh khỏi ngày đối diện với vành móng ngựa và công luận.
Ý kiến ()