150 nước đạt tiến bộ nhỏ về thỏa thuận đa dạng sinh thái toàn cầu
Khoảng 1.000 nhà đàm phán từ 150 nước mới nhất trí được 2 trong hơn 20 mục tiêu thỏa thuận đa dạng sinh thái toàn cầu gồm chia sẻ hiểu biết, công nghệ và thúc đẩy không gian xanh đô thị.
Các nỗ lực soạn thảo một thỏa thuận toàn cầu đầy tham vọng nhằm ngăn chặn sự mất đa dạng sinh thái đã đạt một tiến bộ nhỏ trong các cuộc đàm phán ở Nairobi (Kenya) ngày 26/6.
Khoảng 1.000 nhà đàm phán đến từ 150 quốc gia lẽ ra phải nhất trí một dự thảo thỏa thuận mới về bảo vệ thiên nhiên và thiên nhiên hoang dã để trình lên Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh thái (COP15) vào tháng 12 tới ở Montreal (Canada).
Tuy nhiên, trước khi kết thúc ngày họp 26/6, các bên mới chỉ nhất trí được 2 trong hơn 20 mục tiêu, gồm chia sẻ hiểu biết và công nghệ, và thúc đẩy không gian xanh đô thị.
Đồng chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Canada Basile van Havre cho biết: “Vẫn còn khối lượng lớn công việc phía trước.”
Một số nhóm bảo vệ môi trường nhận định các cam kết đang ngày càng ít tham vọng hơn sau các cuộc thảo luận. Người phụ trách chính sách tại Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), ông Guido Broekhoven cho biết: “Các cam kết ngày càng mơ hồ hơn và kéo dài lộ trình đến năm 2050 thay vì 2030.”
Các bên vẫn đang thảo luận việc có nên thỏa thuận về vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu hay không. Trong khi đó, các đoàn đã quyết định không đề cập đến việc cơ sở hạ tầng như đường sá, đe dọa thiên nhiên hoang dã.
Các nhà quan sát lo ngại nếu hội nghị tại Nairobi không đạt tiến bộ sẽ dẫn tới thất bại của Hội nghị thượng đỉnh ở Montreal. Ban tổ chức cho biết sẽ lên lịch cho một cuộc gặp nữa trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh thái.
Các cuộc đàm phán tại Nairobi đã được tổ chức rất nhanh chóng, sau khi các cuộc đàm phán hồi tháng 3 ở Geneva (Thụy Sĩ) không đạt tiến bộ đáng kể về dự thảo trên. Quyết định tổ chức COP15 tại Montreal đã được thông báo hồi tuần trước, sau khi Trung Quốc lùi thời điểm tổ chức 4 lần do đại dịch COVID-19.
Dù nước này vẫn giữ cương vị Chủ tịch luân phiên, một số quan sát viên hy vọng việc thay đổi địa điểm tổ chức hội nghị sẽ tăng cơ hội để các nhóm phi lợi nhuận tham gia./.
Ý kiến ()