135 - đòn bẩy thoát nghèo
LSO- Chương trình phát triển kinh tế - xã hội dành cho các xã đặc biệt khó khăn (còn gọi là chương trình 135) được thực hiện tại huyện vùng cao, biên giới Văn Lãng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.
Mô hình trồng rừng của người dân xã Tân Tác, huyện Văn Lãng
TỪ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG
Huyện Văn Lãng có 10 xã vùng 3, 99 thôn ĐBKK, người DTTS chiếm 92%. Ông Đinh Văn Ngôn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: xác định khó khăn lớn nhất tại vùng đồng bào DTTS là cơ sở vật chất xuống cấp ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy, nguồn vốn chủ yếu trong chương trình 135 được tập trung vào xây dựng các công trình giao thông, điện và thủy lợi. Trước năm 2013, chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện tại 5 xã (gồm Nam La, Bắc La, Hồng Thái, Nhạc Kỳ và Trùng Khánh), sau khi triển khai giai đoạn III từ đầu năm 2014, nguồn vốn trong hợp phần đầu tư hạ tầng đã tăng 1,5 lần so với giai đoạn trước. Tại xã Tân Tác, một xã vùng 3 của huyện Văn Lãng, việc xây dựng các công trình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Ông Hà Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tác cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, trong 5 năm qua, xã đã có gần 10 công trình điện, nước sinh hoạt và đường giao thông được xây dựng. Theo kế hoạch, công trình kéo lưới điện tại xã được hoàn thành trong năm 2015 sẽ giúp nâng số thôn có điện lưới quốc gia lên 7 thôn, đạt 100%. Nhờ sự đầu tư đồng bộ mà cơ sở hạ tầng ngày một kiên cố, trình độ dân trí và đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 30%.Không chỉ riêng xã Tân Tác, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện Văn Lãng đã đầu tư xây dựng 95 công trình, trong đó có 62 đường giao thông, 10 công trình điện, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng cùng nhiều công trình duy tu, bảo dưỡng khác với tổng nguồn vốn trên 43,4 tỷ đồng.
Sản xuất rau theo hướng hàng hóa tại huyện Văn Lãng Ảnh: BT
ĐẾN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
Nếu như xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn thì hỗ trợ sản xuất là tiền đề giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Giai đoạn 2010-2015, từ nguồn vốn chương trình 135, huyện Văn Lãng đã phân bổ cho trên 6.500 hộ với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng. Nhờ cần cù, chăm chỉ, đồng bào đã tự có ý thức vươn lên, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tiến hành thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn huyện triển khai 15 mô hình giống lúa, ngô mới, 3 mô hình trồng rau an toàn, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi… Ông Nông Văn Giang, thôn Bản Nhùng, xã Hồng Thái cho biết: gia đình ông gặp khó khăn trong phát triển kinh tế do thiếu vốn sản xuất. Từ chương trình 135, ông được Nhà nước hỗ trợ giống ngô mới và máy nông cụ. Ông rất vui cùng các thành viên trong gia đình tích cực lao động sản xuất và vươn lên làm giàu.
Những năm qua, chương trình 135 đã trở thành đòn bẩy giúp đồng bào DTTS Văn Lãng ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới tại các vùng ĐBKK. Đến nay, toàn huyện có 90% số xã có đường ôtô đi lại được 4 mùa; 85% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 97% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16%.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()