13 tuổi thẳng tiến vào đại học
Vào tháng 11 năm 2009, cậu bé người Singapore Muhammad Haikal Abdullah Zain đã xuất sắc vượt qua kì thi A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông cao cấp) do hội đồng Anh tổ chức khi còn chưa tròn 13 tuổi. Chương trình này có thể được xem xét tương đương với chương trình lớp 11 & 12 tại Việt Nam.
Học cực “siêu” nhưng Haikal còn giỏi chơi violin, đánh cờ… |
Cậu bé này đã đạt điểm A (điểm cao nhất trong các mức điểm A, B, C, D…) trong các môn sinh học, vật lý, hóa học.
Vào thời điểm đó, Haikal còn thiếu 1 tháng nữa mới tròn 13 tuổi. Được biết cậu bé dự định nộp đơn vào khoa Y, trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS- National University of Singapore).
Khi biết tin, trường đại học này tỏ ra rất vui mừng. Trưởng phòng tuyển sinh của trường, ngài R. Rajaram nói: Chúng tôi được biết là cậu bé có nguyện vọng muốn vào học ở NUS. Chắc chắn chúng tôi sẽ đồng ý và sẵn lòng chào đón khi nhận được đăng ký học chính thức của cậu ấy.
Ông cũng nói thêm rằng những ứng viên nào muốn được vào học trước tuổi thì phải chứng minh tài năng đặc biệt và lòng đam mê thông qua điểm số của các kỳ thi chứng chỉ. Ngoài ra, các em cũng phải đủ trưởng thành để có thể hòa hợp với những người bạn học lớn hơn mình rất nhiều tuổi.
Chẳng cần ai kèm cặp…
Haikal cho biết em muốn dự kỳ thi cấp cao hơn từ cách đây 4 năm khi nghe câu chuyện về một cậu bé nguời Singapore khác là Ainan Cawley dù mới chỉ 7 tuổi nhưng đã trở thành người trẻ tuổi nhất thế giới thi được chứng chỉ GCE O-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông cấp thông thường) môn hóa học.
“Em nghĩ rằng cậu nhóc này mới chỉ 7 tuổi mà có thể đạt điểm C ở chứng chỉ O-levels. Vì vậy, em quyết tâm mình phải đạt được điểm A”, Haikal bày tỏ.
Năm ngoái, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Haikal cũng đã đăng ký vào trường trung học chuyên toán và tự nhiên NUS (NUS High School of Mathematics and Science). Tuy nhiên, trường này đã hoãn lại 1 năm để cậu bé có thể tập trung dồn sức lực vào các kỳ thi lấy chứng chỉ của mình.
Vào tháng 6, cậu bé thi được chứng chỉ trung học phổ thông quốc tế, tương đương với chứng chỉ O – levels của các môn Vật lý, Hóa học, và đạt điểm A cho tất cả các môn này.
Cũng trong tháng 6, cậu bé đã thi được chứng chỉ A-level cho môn toán và đạt điểm A.
Trước kết quả đó, trường trung học NUS nói rằng họ sẽ giúp cha mẹ Haikal định hướng việc học tập tiếp theo của con trai họ.
Được biết khi học tiểu học tại trường Rosyth, Haikal cũng đã có mặt trong chương trình giáo dục tài năng của trường này. Và trong kỳ thì chuyển cấp cậu bé đã đạt được 274/ 300 điểm.
Ngoài giờ học, Haikal rất đam mê đánh cờ. Cậu bé đã đạt những huy chương vàng trong nước và quốc tế về bộ môn này. Không những vậy, Haikal còn nhận được chứng chỉ mức 8/10 violin và cậu bé cũng đang theo học võ Taekwondo.
Tuy nhiên ước mơ lớn nhất của Haikal là học ngành Y khoa. Cậu bé tiết lộ rằng mình đã mơ ước được học y từ khi mới 6 tuổi và hi vọng sẽ được trở thành một chuyên gia về thần kinh học. Lí do của em là: “bộ não điều khiển hầu hết tất cả các chứng năng của cơ thể và em nghĩ sẽ thật thú vị khi được nghiên cứu cơ chế hoạt động của nó ra sao”.
Xuất sắc là vậy, nhưng gia đình của cậu bé không có gì đặc biệt. Mẹ cậu bé là Madam Salha Abdat, 39 tuổi, làm nghề nội trợ. Chồng bà là Abdullah Zain, 40 tuổi, là một kỹ sư. Ngoài Haikal, họ còn có ba đứa con khác trong độ tuổi từ 3 đến 12. Mẹ cậu bé tiết lộ rằng: Haikal đã tự học để thi. Thằng bé chẳng cần bất cứ ai kèm cặp cả.
GCE (The Singapore – Cambridge General Certificate of Education) là một bằng cấp tốt nghiệp trung học đang được Anh Quốc và các nước theo hệ thống giáo dục của Anh sử dụng. Theo hệ thống giáo dục này, bằng cấp ở trung học thường được chia theo 2 cấp độ: Cấp thông thường, gọi là O-level và cao cấp, gọi là A-level. Các kỳ thi tốt nghiệp cấp độ thông thường “O – level” được dành cho học sinh 16 tuổi, cao cấp “A – level” đối với học sinh 18 tuổi. Chương trình A – level được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” để vào được các trường Đại học. Kết quả học tập tại chương trình A – Level được đánh giá bằng các điểm A, B, C, D v..v…v. Thông thường, điểm A & B là yêu cầu của những trường đại học hàng đầu. Chương trình học này kéo dài 2 năm và được xem là 2 năm hướng nghiệp quan trọng nhất trong cuộc đời của sinh viên. Sinh viên được lựa chọn học 05 môn (03 môn chính, 02 môn phụ, trong đó Tiếng Anh là môn bắt buộc) và các môn học này sẽ ảnh hưởng đến ngành học của sinh viên trên Đại học. |
Ý kiến ()