12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi đạt hơn 95%
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin sởi phòng, chống dịch và tiêm vét vắc-xin sởi trên toàn quốc đến hết ngày 29-4 là 83,9%. Trong đó, khu vực phía bắc có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao nhất là 94,8%, tiếp đến là khu vực miền trung (87,8%), Tây Nguyên (84,8%) và miền nam (69,4%). Đáng chú ý, đã có 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao trên 95% là: Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Đác Nông, Ninh Bình, Kon Tum, Hậu Giang.
Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 33 trường hợp mắc sởi xác định, nâng tổng số ca mắc sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 3.784 trường hợp trong số 11.799 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61 tỉnh, thành phố.
Tích lũy số ca tử vong do sởi là 25 trường hợp trong số 130 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Số người bệnh nhập viện mới gần đây giảm hơn nhiều so với những ngày đầu tháng 4, tuy nhiên số người bệnh đang điều trị giảm không rõ rệt, chủ yếu là người bệnh nặng, điều trị dài ngày.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 64 trường hợp mắc bệnh sởi và nghi sởi. Hiện bệnh sởi đang có chiều hướng tăng và đã xuất hiện ở 25 xã, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho biết, ngành y tế tỉnh đang tập trung chỉ đạo các Bệnh viện và Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh nhằm hạn chế lây lan trên địa bàn.
Ngày 29-4, Bộ Y tế cho biết, gần đây, trên các trang mạng xã hội, lợi dụng tâm lý lo lắng của các gia đình về việc phòng, chống sởi cho con em mình, một số cá nhân lợi dụng, quảng cáo về loại vòng đeo tay có khả năng phòng, chống sởi sản xuất tại Nhật Bản. Sau khi tổng hợp và nghiên cứu các thông tin, Bộ Y tế cho biết, thiết bị phòng, chống sởi trên chưa nêu rõ tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và chưa được thử nghiệm, xem xét đánh giá theo quy định. Các thiết bị chống sởi trên sử dụng gói chứa hóa chất Chlorine Dioxide để khử trùng không khí chung quanh người đeo, ngăn chặn vi khuẩn. Bộ Y tế đã trao đổi với PGS, TS Nguyễn Hoài Châu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, chất Chlorine Dioxide là hóa chất khử trùng được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, việc tiếp xúc liên tục với hợp chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, hàm lượng Chlorine Dioxide trong sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, xác định vì vậy các loại thiết bị này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng.
Chiều 29-4, Cục Y tế dự phòng có công văn khẩn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước, yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh do chủng vi-rút mới Mers-CoV gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông đang diễn biến phức tạp. Cục đề nghị các đơn vị kiểm dịch y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào nước ta tại tất cả các cửa khẩu, đặc biệt lưu ý các hành khách du lịch trở về từ các quốc gia có dịch và các quốc gia vùng Trung Đông. Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn giám sát chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, đặc biệt, những người gần đây có tiền sử đi du lịch hoặc trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh trong vòng 14 ngày để có các biện pháp quản lý kịp thời. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 26-4, trên thế giới ghi nhận 261 người nhiễm chủng vi-rút mới corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông (Mers-CoV), trong đó có 93 ca tử vong ở 14 quốc gia. WHO nhận định, thời gian tới có thể ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm mới Mers-CoV tại các quốc gia có sự giao lưu về giao thông và du lịch với các quốc gia đang có dịch bệnh nguy hiểm này. Ở khu vực Đông – Nam Á, Ma-lai-xi-a và Phi-li-pin đã ghi nhận các trường hợp nhiễm Mers- CoV sau khi trở về từ khu vực Trung Đông. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()