100% công ty điện lực của EVNCPC sửa chữa điện nóng
Với việc ra mắt Đội sửa chữa điện nóng (hotline) Công ty Điện lực Đắk Nông và thực hiện thành công lần sửa chữa đầu tiên trên đường dây đang mang điện vào ngày 3/7, đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã “cán đích” kế hoạch triển khai sửa chữa hotline tại 13/13 công ty điện lực thành viên.
Tất cả các công ty thành viên EVNCPC đã thành lập đội sửa chữa điện nóng. |
Công tác sửa chữa điện nóng được EVNCPC triển khai từ tháng 4/2016 và được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 4-12/2016, tại 5 công ty điện lực là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối 2017, tại 3 công ty điện lực gồm Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai. Đến cuối tháng 6/2018, EVNCPC đã hoàn thành giai đoạn 3, tại các công ty điện lực còn lại là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum và Đắk Nông.
Để triển khai công nghệ sửa chữa điện nóng, cùng với việc cử cán bộ, nhân viên vào Tổng công ty Điện lực TPHCM để đào tạo, EVNCPC còn tự tổ chức đào tạo cho cán bộ tại hai đơn vị là Kon Tum và Đắk Nông. Đây là nỗ lực rất lớn của EVNCPC trong việc chủ động nắm bắt và ứng dụng công nghệ, đồng thời cụ thể hóa hành động theo chỉ đạo của EVN về thực hiện chủ đề năm 2018: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hiện trường huấn luyện cũng như trang cấp các dụng cụ sửa chữa điện nóng để phục vụ đào tạo tại Trường cao đẳng Điện lực miền Trung, EVNCPC đã thành lập tổ công tác để rà soát, biên soạn, hiệu chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo nghề sửa chữa đường dây tải điện đến cấp điện áp 22 kV đang vận hành. Tháng 12/2017, EVNCPC đã khai giảng khóa đào tạo đầu tiên cho 16 học viên của Đội sửa chữa điện nóng thuộc Điện lực Kon Tum và Đắk Nông. Sau 4 tháng, các học viên hoàn thành sát hạch, kết thúc đào tạo.
Ngày 3/7 vừa qua, Đội sửa chữa điện nóng của Công ty Điện lực Đắk Nông đã thực hiện thành công việc thay sứ trên đường dây 22 kV đang mang điện. Trước đó, ngày 29/6, Công ty Điện lực Kon Tum cũng đã thực hiện việc thay sứ đường dây 22 kV mà không phải cắt điện. Đây là hai đơn vị cuối cùng trong số 13 công ty điện lực thành viên EVNCPC áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng.
Sửa chữa điện nóng có những đặc thù và là một nghề đặc biệt nguy hiểm, bởi chỉ lơ là một tích tắc, người thợ điện không còn cơ hội sửa sai. Vì là nghề đặc biệt, nên từ phương tiện đến trang thiết bị hỗ trợ công tác, hay các biện pháp thi công cũng rất đặc biệt. Tùy vào tình huống cụ thể mà người thợ sửa chữa điện nóng có thể chọn phương pháp thi công “trực tiếp” hoặc “gián tiếp qua sào cách điện” kết hợp với xe gàu cách điện hoặc bệ đỡ (platform) trong trường hợp không thể sử dụng xe gàu.
Để trở thành thợ sửa chữa điện nóng, người thợ điện phải trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện, sát hạch không điện, có điện tại cơ sở đào tạo. Sau đó tiếp tục về hiện trường của đơn vị để rèn luyện và phải vượt qua kỳ sát hạch không điện, có điện tại đơn vị. Khi vượt qua kỳ sát hạch tại đơn vị, thợ sửa chữa điện nóng sẽ được cấp thẻ thực hiện công tác sửa chữa điện nóng và chính thức khoác trên mình tấm áo “thợ điện hotline”.
Công tác hotline sau khi đưa vào hoạt động đã chứng tỏ hiệu quả bước đầu. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, các đơn vị thành viên EVNCPC đã tiến hành 3.850 công tác sửa chữa nóng lưới điện.
Thời gian tới, EVNCPC sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển thêm các đội hotline thứ hai, thứ ba cho các đơn vị. Đồng thời bổ sung thêm các phương pháp các phương pháp sửa chữa điện nóng lưới điện 22 kV bằng platform, giàn giáo cách điện và mở rộng áp dụng trên lưới 110 kV.
Cùng với việc vệ sinh sứ không cắt điện, việc áp dụng công nghệ hotline đã góp phần hạn chế thời gian mất điện khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ khách hàng.
Ý kiến ()