Thành phố Kon Tum có dân số hiện nay khoảng 200 nghìn người. Theo số liệu của Trạm Thú y TP Kon Tum, hằng ngày người dân TP Kon Tum tiêu thụ khoảng từ 10 đến 12 tấn thịt heo và trâu, bò các loại, tương đương khoảng 100 con heo, và từ 10 đến 12 con trâu bò. Do địa bàn TP Kon Tum chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên các loại gia súc này được giết mổ một cách tự phát tại 60 cơ sở nhỏ lẻ của các hộ gia đình ở các khu dân cư. Công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu giết mổ gia súc gần như bỏ ngỏ, tùy thuộc vào “lương tâm” của các lò mổ.
Ông Hà Thanh Lâm Trạm phó trạm Thú y thành phố Kon Tum cho biết: “Do chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên việc quản lý vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ này đều đang thả nổi vì không có nhân lực. Trạm Thú y TP Kon Tum chỉ có ba biên chế phụ trách địa bàn 21 xã, phường về công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ; phát triển chăn nuôi; quản lý thuốc thú y; kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm…. rất nhiều việc nên làm không xuể.
Kiểm dịch động vật giết mổ tại TP Kon Tum được thực hiện với bốn nhân viên hợp đồng bằng cách cử một người phụ trách một điểm ở các chợ đông người mua bán như chợ Trung tâm; chợ Duy Tân, chợ Quyết thắng, kiểm tra lâm sàng bằng mắt thường rồi lăn dấu xác nhận cho chuyển vào chợ để bán.
Chúng tôi đã theo chân Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh Kon Tum đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số điểm giết mổ gia súc trên địa bàn TP Kon Tum.
Tại cơ sở giết mổ của hộ Lý A Đỏ (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum),cơ sở lớn nhất trên địa bàn TP với quy mô từ năm đến 10 con trâu bò/ đêm, qua kiểm tra của đoàn liên ngành, chủ cơ sở không có giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy khám sức khỏe công nhân và đồ bảo hộ lao động cho người làm công giết mổ, điều kiện giết mổ cũng không bảo đảm vệ sinh.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang thực hiện giết mổ ba con bò, hai con trâu, toàn bộ số thịt sau khi xẻ xong đều được đặt trên nền nhà bằng xi măng; chất thải, nước rửa lênh láng không được thu gom. Đoàn kiểm tra lập biên bản cơ sở không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh trong khi giết mổ.
Theo ông Hà Thanh Lâm- Phó Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Kon Tum thì cơ sở trên đã hoạt động không phép 4- 5 năm nay, đây là tình hình chung của các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố. Hầu hết các cơ sở, điểm giết mổ đều không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh trong khi giết mổ, nhưng rất khó xử lý.
Cơ sở giết mổ heo của hộ gia đình Đỗ Văn Bộn (thôn 9, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum), cũng là cơ sở giết mổ heo tương đối lớn trên địa bàn với quy mô từ năm đến bảy con mỗi đêm nhưng quy trình giết mổ cũng rất mất vệ sinh. Cơ sở này cho dùng chung chảo nước luộc lòng và làm lông. Sau khi dội vài xô nước lạnh gọi là làm sạch, con heo khoảng 60- 70kg được nhúng thẳng vào chảo nước sôi mà trước đó dùng để luộc lòng; rồi cùng từ nồi nước này, toàn bộ số nội tạng con heo khác lại được luộc trong đó. Tuy nhiên, theo chủ cơ sở này thì cơ sở của gia đình thuộc loại sạch sẽ nhất thành phố, bởi nhiều nơi khác nằm trong khu dân cư chật chội nên dơ bẩn hơn rất nhiều!
Có thể khẳng định công tác an toàn vệ sinh trong giết mổ gia súc ở các cơ sở, điểm giết mổ đáng báo động. Tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý các cơ sở, điểm giết mổ này còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực.
Để giải quyết được vấn đề này theo bà Đinh Thị Mỹ Linh, Phó phòng Kinh tế TP Kon Tum chỉ có một cách là xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên theo chủ trương của UBND tỉnh Kon Tum, nguồn vốn để xây dựng cơ sở giết mổ phải được xã hội hóa, lấy từ nguồn đóng góp của các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Nhưng với quy mô nhỏ lẻ, một ngày tiêu thụ khoảng 100 con gia súc như Tp Kon Tum thì rất khó để xã hội hóa. Vì để xây dựng được một cơ sở giết mổ đáp ứng mức tiêu thụ như hiện nay ở TP Kon Tum thì kinh phí xây dựng là cả chục tỷ đồng, trong lúc thu từ cơ sở giết mổ mỗi con heo 30 nghìn đồng thì không biết bao giờ bù đắp lại vốn.
Để xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung chỉ còn một cách là trông chờ chủ yếu vào đầu tư của nhà nước, và chưa biết khi nào mới có.
Xuân Bính Thân 2016 đang đến gần, vấn đề an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng lậu đang rất được người dân quan tâm. Nhưng với cách quản lý như thế này thì chưa biết bao giờ người dân TP Kon Tum mới có được nguồn thực phẩm an toàn và người chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn khó có được môi trường chăn nuôi an toàn.
Ý kiến ()