10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018
Thác Bản Giốc, một điểm đến trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
2. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”. Những kết quả đạt được trong hơn 20 năm xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là rất quan trọng, huy động được nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần và thẩm mỹ của nhân dân, phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên thực tiễn phong phú và phức tạp trong quá trình xã hội hóa cũng làm nảy sinh những bất cập, chủ yếu ở nhận thức và cách tiến hành công việc này ở từng ngành, từng loại hình rất khác nhau. Từ kết quả hội thảo, Hội đồng sẽ tham mưu giúp Ðảng, Nhà nước bổ sung các giải pháp, cơ chế, chính sách có tính khả thi để triển khai chủ trương xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật theo đúng các nghị quyết của Ðảng, Nhà nước, đạt được hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.
3. UNESCO công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu và Hoàng hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích 3.072 km2 với nhiều giá trị địa chất – địa mạo nổi bật, tầm cỡ quốc tế; có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: hang Pác Bó, suối Lê-nin, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Ðén… Còn Hoàng hoa sứ trình đồ là cuốn sách miêu tả một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18, với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Ðại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong giai đoạn 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ. Việc tiếp tục có thêm những di sản thế giới thuộc nhiều loại hình được vinh danh cho thấy sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa quốc gia và ý thức, nỗ lực của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
4. Du lịch Việt Nam đón lượt khách quốc tế thứ 15 triệu, mức kỷ lục trong lịch sử 58 năm phát triển ngành. Dấu ấn quan trọng này góp phần thể hiện vị thế, uy tín của “ngành công nghiệp không khói” Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới; đồng thời khẳng định Việt Nam đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, ngày càng tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Con số ấn tượng này cũng cho thấy hiệu quả tích cực từ việc triển khai những chính sách liên quan phát triển du lịch thời gian qua như: thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 46 nước, gia hạn miễn thị thực cho công dân năm nước Tây Âu, áp dụng Luật Du lịch sửa đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch… Ðây cũng là động lực và tiền đề để ngành du lịch Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
5. Thể thao Việt Nam giành thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự Ðại hội thể thao châu Á (ASIAD) cùng nhiều thành tích trong nước và quốc tế. Với 352 vận động viên (VÐV) dự thi đấu 32 môn tại ASIAD 2018, Ðoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra, giành bốn Huy chương vàng (HCV), 17 Huy chương bạc và 18 Huy chương đồng, trong đó có hai HCV ở môn thể thao Ô-lim-pích là nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo và đua thuyền râu-inh bốn nữ, cùng thành tích lọt vào bán kết của đội tuyển bóng đá Ô-lim-pích. Ở trong nước, Ðại hội thể thao toàn quốc lần thứ tám năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội với quy mô lớn, thu hút hơn 7.000 VÐV dự thi đấu ở 36 môn thể thao để tranh 734 bộ huy chương. Có 43 kỷ lục quốc gia, 169 kỷ lục đại hội được thiết lập chủ yếu ở các môn thể thao Ô-lim-pích, cho thấy thể thao thành tích cao đã có bước phát triển mới, thể hiện sự đúng đắn trong định hướng đầu tư trọng tâm vào các môn cơ bản và không chạy theo hình thức.
Người hâm mộ Thủ đô diễu hành mừng chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 của Ðội tuyển bóng đá nam Việt Nam.
6. Bóng đá Việt Nam giành ngôi vị số một Ðông – Nam Á và trở lại top 100 bảng xếp hạng bóng đá thế giới sau bảy năm (tính từ năm 2011). Trước hết là Ðội tuyển U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân Giải bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) bằng bản lĩnh và tinh thần thi đấu tuyệt vời sau khi vượt qua những đội mạnh của châu lục. Nối tiếp chiến công, với đội hình chủ yếu là các tuyển thủ U23, đội tuyển Ô-lim-pích Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, vào tới bán kết ASIAD 2018. Còn tại Giải AFF Suzuki Cup 2018, đội tuyển Việt Nam đã khẳng định vị thế hàng đầu khu vực, đăng quang ngôi vô địch. Ðây là kết quả quá trình dài định hướng đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ cùng tài năng của huấn luyện viên Hàn Quốc Pắc Hang-xo, người đã dẫn dắt cả ba đội tuyển nước ta thành công ở các đấu trường châu lục và khu vực.
7. Du lịch Việt Nam ghi dấu ấn với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 25 năm 2018, Việt Nam lần đầu được vinh danh là “Ðiểm đến du lịch hàng đầu châu Á”. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng nhận được những giải thưởng quốc tế uy tín như: Vietravel lần thứ sáu liên tiếp được trao giải “Nhà điều hành tour du lịch hàng đầu châu Á”; Vietnam Airlines nhận giải “Hãng hàng không hàng đầu châu Á – Hạng phổ thông cao cấp”… Nhiều sản phẩm du lịch mới của Việt Nam được quốc tế chú ý, vinh danh như: Cầu Vàng (Ðà Nẵng) lọt top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018 do Tạp chí Times (Mỹ) bình chọn, chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ được vinh danh giải Vàng hạng mục “Ðổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan” tại giải thưởng Stevie châu Á – Thái Bình Dương 2018… Những giải thưởng này là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
8. Năm 2018 văn học Việt Nam “được mùa” giải thưởng quốc tế. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải Liberaturpreis do Litprom – Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh ở Phran-phuốc (Ðức) bình chọn cho tác phẩm “Cánh đồng bất tận”; nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giải Changwon KC International Literary của Hàn Quốc vì những cống hiến, đóng góp sáng tạo văn học nghệ thuật. Những giải thưởng này cho thấy văn học Việt Nam từng bước được bạn đọc và các tổ chức văn học uy tín trên thế giới đánh giá cao, đóng góp vào quá trình quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
9. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V, năm 2018, ghi dấu ấn Ðiện ảnh Việt Nam. Với chủ đề “Ðiện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”, Liên hoan đã thu hút hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Liên hoan phim là cơ hội để điện ảnh Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phát triển xứng tầm khu vực và quốc tế; hướng đến giá trị nhân văn và tinh thần thân ái, hợp tác. Ðiện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn với một số giải thưởng uy tín như: Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (diễn viên Phương Anh Ðào); Ðạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc (đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt); Giải thưởng của Ban giám khảo cho phim ngắn (phim Hai đứa trẻ); giải Bình chọn phim Việt Nam được khán giả yêu thích (phim Chàng vợ của em)…
10. Hoa hậu H’Hen Niê của Việt Nam vào top 5 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (Miss Universe) 2018, tổ chức tại Thái-lan. Ðây là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại cuộc thi nhan sắc uy tín hàng đầu thế giới khi lần đầu có thí sinh đứng trong top 5 người đẹp nhất cuộc thi. Không chỉ sở hữu nhan sắc đẹp, Hoa hậu H’Hen Niê còn có khả năng thu hút và truyền cảm hứng cho khán giả bằng phong cách trình diễn độc đáo, mang đậm bản sắc của dân tộc Ê Ðê. Ngoài đời thường H’Hen Niê giữ tác phong giản dị, gần gũi, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, các chương trình thiện nguyện hướng tới đối tượng yếu thế trong xã hội là trẻ em, phụ nữ và bệnh nhân HIV-AIDS.
Ý kiến ()