10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021
Nhiều biến động trong năm qua đã làm thay đổi cục diện chính trị ở các khu vực cũng như quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2021 do báo bình chọn.
1. Kịch tính công bố bầu cử Tổng thống Mỹ
Ngày 6-1, Đồi Capitol-biểu tượng của nền dân chủ Mỹ-thất thủ khi đám đông những người ủng hộ ông Donald Trump tràn vào giữa lúc Quốc hội Mỹ đang họp để chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đầy kịch tính.
Vụ bạo loạn làm 5 người chết và thiệt hại về vật chất lên tới hàng triệu USD. Thế nhưng, thiệt hại về vật chất không thể so sánh với tổn thất khi niềm tự hào về các giá trị dân chủ của Mỹ bị tổn thương nặng nề. Các nước phương Tây gọi sự kiện này là “ngày đáng xấu hổ của Mỹ” và phơi bày “thách thức gay gắt nhất đối với chế độ dân chủ Mỹ từ sau nội chiến”.
Biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021. Ảnh: Getty Images |
2. Đảo chính ở Myanmar
Ngày 1-2, quân đội Myanmar bất ngờ đảo chính, bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và thành lập chính quyền quân sự. Động thái này đã khiến các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra liên tiếp làm rung chuyển Myanmar. Hơn 1.100 người thiệt mạng khi quân đội trấn áp các cuộc biểu tình bằng vũ lực.
Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc đảo chính và lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, khối này không mời lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar dự hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 10. Tuy nhiên, ASEAN vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình tại quốc gia này.
3. Taliban kiểm soát Kabul
Ngày 15-8, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan mà gần như không gặp phải sự chống trả nào của phe chính phủ. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút dần quân Mỹ khỏi Afghanistan từ tháng 5-2021 và rút hết vào ngày 11-9-2021, tròn 20 năm sau khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố.
Động thái này của Washington khiến Taliban tăng cường tấn công quân chính phủ và tái giành quyền kiểm soát đất nước. Taliban đã thành lập chính phủ lâm thời nhưng chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Tài sản ở nước ngoài của Afghanistan bị phong tỏa và quốc gia 14 triệu dân này đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo.
Các tay súng Taliban tại một trạm kiểm soát gần Quảng trường Zanbaq ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Getty Images |
4. Kênh đào Suez bị tê liệt
Ngày 24-3, lần đầu tiên kể từ khi được khánh thành từ năm 1869, kênh đào Suez bị tê liệt hoàn toàn khi tàu Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, bị mắc cạn ở đây. Thương mại toàn cầu bị thiệt hại khoảng 6-10 tỷ USD trong một tuần kênh đào không hoạt động, còn Ai Cập thất thu khoảng 12-14 triệu USD mỗi ngày. Cuối cùng, tàu Ever Given được giải cứu vào ngày 29-3 và mọi hoạt động qua kênh đào trở lại trạng thái bình thường.
“Siêu tàu” chở hàng Ever Given đã bị mắc cạn ở kênh đào Suez. Ảnh: AP |
5. Euro 2020 diễn ra năm 2021
Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA Euro) 2020 đã được tổ chức trong năm 2021 nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi. Lần đầu tiên giải bóng đá này được tổ chức ở 11 quốc gia châu Âu.
Đặc biệt, trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới thì hình ảnh cổ động viên chật kín các sân vận động đã mang lại hy vọng về việc vaccine giúp chống lại đại dịch và thế giới sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy vậy, Thế vận hội mùa hè 2020 được tổ chức năm 2021 ở Nhật Bản lại phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
6. Liên minh ba bên AUKUS
Trong một động thái bất ngờ, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận liên minh ba bên với tên gọi AUKUS ngày 16-9. Thỏa thuận này bao gồm điều khoản đóng cho Australia ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc gọi thỏa thuận này là “mối đe dọa cực kỳ vô trách nhiệm” với ổn định trong khu vực, đồng thời bày tỏ hoài nghi về cam kết không phổ biến hạt nhân của Australia.
Trong khi đó, cùng với việc công bố AUKUS, Australia cũng thông báo hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá 65,9 tỷ USD từ Pháp. Chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đó là hành động “phản bội”, “đâm sau lưng”, đồng thời triệu đại sứ ở Australia và Mỹ về nước để phản đối.
Australia, Anh và Mỹ ngày 15-9 thông báo thành lập liên minh an ninh AUKUS. Ảnh: AFP |
7. Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử
Ngày 11-11, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã thông qua nghị quyết lịch sử thứ ba trong 100 năm thành lập của CCP, nâng vị thế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang hàng với các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Nghị quyết với tên gọi “Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của đảng” đề cao vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, khẳng định vị thế vững chắc của ông trong tương lai chính trị của đất nước.
8. Bốn nhiệm kỳ ấn tượng của bà Angela Merkel
Ngày 8-12, bà Angela Merkel kết thúc 4 nhiệm kỳ Thủ tướng Đức với tổng thời gian cầm quyền 16 năm. Bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức vượt qua nhiều cơn sóng gió như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công tại nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu hay cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015.
Nước Đức dưới sự dẫn dắt của “cỗ máy đàm phán” Angela Merkel đã gặt hái được nhiều thành công. Báo chí Đức tiết lộ, dù chỉ còn vài ngày trước khi rời chính trường, bà Merkel vẫn mang lại cho nước Đức những hợp đồng xuất khẩu vũ khí trị giá hàng tỷ USD.
9. COP26 với những cam kết mạnh mẽ
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 14-11 với việc 197 nước tham gia Công ước tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.
Tại hội nghị, hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane. Một liên minh mới các quốc gia cam kết đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới cũng được ra mắt tại COP26.
10. Quan hệ Nga – Ukraine căng thẳng
Những tháng cuối năm 2021, quan hệ giữa Nga với Ukraine và các nước phương Tây trở nên căng thẳng hơn khi Nga tăng cường số lượng lớn quân tới biên giới với Ukraine. Các nước phương Tây cáo buộc Nga có ý định tấn công quân sự Ukraine nhưng Moscow khẳng định không có ý định tấn công Ukraine mà chỉ phản ứng trước âm mưu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía đông và triển khai vũ khí tại Ukraine, đe dọa an ninh của Nga.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()