10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2023
Ngày 20-12, Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2023, gồm: Đà phục hồi của sản xuất công nghiệp; thành tích xuất nhập khẩu; sự phát triển của thương mại điện tử; sự phục hồi của thị trường trong nước; quy hoạch ngành quốc gia quan trọng về lĩnh vực năng lượng…
1. Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, năng lực cạnh tranh công nghiệp cao vào năm 2030
Ngày 28-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương; Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động để đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác. |
2. Bốn Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt mở ra không gian phát triển mới của ngành năng lượng và khai khoáng Việt Nam
Sau thời gian khẩn trương triển khai nghiên cứu, lập Quy hoạch, bảo đảm tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ, 4 Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: (i) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; (ii) Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; (iii) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và (iv) Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
3. Cơ bản hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thành lập, Ra mắt Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua…
4. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng quan trọng: Đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải và triển khai loạt dự án điện khí LNG; Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hoàn thành sửa chữa các tổ máy Nhiệt điện; Khẩn trương triển khai các dự án đường dây 500kV mạch 3, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Cấn Dũng |
5. Phát triển thị trường ngoài nước có nhiều bước tiến quan trọng: Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5-7-2023 về Nâng cao hiệu quả Hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thành ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) sau hơn 7 năm đàm phán và thống nhất kết thúc đàm phán để hướng tới sớm ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với UAE; Tháo gỡ khó khăn xuất nhập khẩu với các tỉnh giáp Trung Quốc…
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư năm 2023 ước đạt gần 30 tỷ USD, cao gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
6. Thương mại trong nước tăng trưởng tích cực, vượt mục tiêu đề ra, trở thành điểm sáng của kinh tế vĩ mô và là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8-9%), góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
7. Thương mại điện tử tiếp tục giữ vững vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12-2023 theo Statista).
Khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2023. |
8. Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử tạo dấu ấn đột phá
Với những kết quả đạt được, Bộ Công Thương xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (theo công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến thời điểm hiện tại).
9. Ứng phó hiệu quả trong phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hóa xuất khẩu từ sớm, từ xa
Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đánh giá và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Công tác cảnh báo sớm cùng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đã đem lại những kết quả tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững nhiều thị trường xuất khẩu.
10. Chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ
Năm 2023, Bộ Công Thương xác định kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với công chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị là yếu tố quan trọng, tiên quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tinh thần này được thể hiện thông qua việc Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hầu hết các quy chế, quy định trong nội bộ (như Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng, Quy chế làm việc của Bộ Công Thương, Quy chế phối hợp công tác giữa Ban cán sự đảng với Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ, cùng nhiều quy chế, quy định khác của Bộ), bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật và nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý điều hành tại Bộ Công Thương.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/10-su-kien-noi-bat-nganh-cong-thuong-nam-2023-756229
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()