10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2013
Ngày 3/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2013.
Theo đó, trong năm 2013, 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước đã được bình chọn như sau:
1. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đây là Nghị quyết đầu tiên đề cập toàn diện đến chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng định hướng cho công tác quản lý – tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian tới, quyết định đến sự bền vững của đất nước.
2. Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6.
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Nguồn: tinmoitruong.vn |
Đây là đạo luật quan trọng, với nhiều điểm đổi mới nhằm giải quyết những tồn tại vướng mắc hiện nay; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
3.Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của Chiến lược nhằm thúc đẩy việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo hướng bền vững. Chiến lược đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, tài nguyên khoáng sản biển; phát triển năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động biến đổi khí hậu trên các vùng biển.
4. Hoàn thành mục tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai nhiều biện pháp tích cực, thực hiện tốt Nghị quyết số 30/12012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tính đến ngày 30/12/2013, cả nước đã cấp được hơn 40 triệu Giấy chứng nhận với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt trên 92% diện tích cần cấp Giấy chứng nhận và đạt 94% tổng số trường hợp sử dụng đất cần cấp Giấy chứng nhận, đáp ứng yêu cầu mà Quốc hội đề ra.
5. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là Chiến lược quốc gia đầu tiên của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế; đồng thời xác định các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên giải quyết cho công tác bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp với thời kỳ mới.
6. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày Nước thế giới năm 2013 tổ chức tại thành phố Cần Thơ.
Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2013 được Liên hiệp quốc chọn là năm “Hợp tác về nước”. Tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng và truyền tải thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết và kêu gọi tăng cường hợp tác để khai thác, sử dụng hài hòa, bền vững nguồn nước; góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai.
7. Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Nghị quyết số 30-NQ/BCSDTNMT về công tác luan chuyển, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII) của Đảng về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Việc triển khai Nghị quyết nhằm tạo diều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, có triển vọng; giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài.
8. Hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giớitrên tuyến biên giới Việt – Lào
Sau 5 năm triển khai thực hiện, hai bên đã chính thức hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa. Đã xác định và xây dựng 793 vị trí mốc tương ứng 835 cột mốc, cắm bổ sung hơn 20 cọc dấu. Đến nay hai nước đã có một hệ thống mốc quốc giới hoàn chỉnh, bền vững, hiện đại.
9. Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu
Theo đó, Ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của quốc gia; huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
10. Thu nhận và xử lý thành công ảnh chụp từ vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat 1.
Trạm thu ảnh viễn thám đầu tiên của Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2008 và tiếp tục được đầu tư nâng cấp năm 2013 để thu nhận ảnh viễn thám VNREDSat 1 của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat 1 kết hợp với hệ thống thu nhận, xử lý, lưu trữ ảnh viễn thám đã tạo ra một hệ thống viễn thám hoàn chỉnh đầu tiên của nước ta. VNREDSat 1 có khả năng chụp được ảnh phân giải cao bất kỳ vị trí nào trên bề mặt Trái đất./.
Theo CPV
Ý kiến ()