10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới trong năm 2019
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung “hạ nhiệt,” Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm là hai trong số các sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới trong năm 2019.
(Từ trái sang) Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tại cuộc gặp ở Thượng Hải ngày 31/7.
Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới năm 2019, do Ban biên tập Tin kinh tế – Thông tấn xã Việt Nam bình chọn:
1. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung “hạ nhiệt”
Ngày 13/12, Trung Quốc và Mỹ thông báo đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Mỹ không áp thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 15/12, đồng thời giảm một nửa mức thuế áp lên 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, nước này cam kết tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ.
Hai nước dự kiến ký kết văn bản gồm 9 chương về thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong tháng 1/2020.
Việc hai cường quốc cuối cùng có thể đi đến một sự thỏa hiệp, được dự báo sẽ hạ nhiệt căng thẳng thương mại kéo dài gần 18 tháng. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong năm 2019 đã khiến thị trường toàn cầu nhiều phiên chao đảo và làm suy giảm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.
2. Fed hạ lãi suấtlần đầu tiên sau 11 năm
Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ngày 31/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm để đối phó với nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng.
Việc Fed tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 9 và tháng 10 rồi sau đó giữ nguyên lãi suất ở mức 1,5-1,75% cho tới cuối năm 2019 đã giúp kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Các quyết định của Fed đã giúp các thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, giá vàng cao hơn, nhưng lại khiến đồng USD xuống giá.
Sau Fed, nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, thậm chí xuống ngưỡng âm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc tránh nguy cơ suy thoái.
3. “Cú sốc” giá dầu trong tháng 9/2019
Giá dầu thô Brent ngày 16/9 tăng tới 19,5% – mức tăng mạnh nhất trong một phiên kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 – lên 71,95 USD/thùng, sau khi xảy ra hai vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, làm sản lượng dầu của nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới giảm 50%, tương đương khoảng 5% nguồn cung dầu toàn cầu.
Vụ việc khiến các nước phải chú trọng các biện pháp ứng phó với vấn đề an ninh dầu mỏ và nguy cơ thiếu cung trong tương lai.
Nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, cùng với tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung vào cuối năm 2019, giá dầu thô tăng lên mức cao hơn so với thời điểm kết thúc năm 2018.
4. Đồng nhân dân tệ qua ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD
“Chốt chặn” hơn 10 năm, mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD đã bị phá vỡ vào ngày 5/8/2019, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế thêm 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 1/9/2019.
Ngay sau khi giá đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới ngưỡng này, Mỹ đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang.
Tuy sự rớt giá này chưa mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, song diễn biến của đồng nhân dân tệ hơn 1 năm qua cho thấy các biện pháp trả đũa về thuế quan luôn dẫn tới biến động đáng kể của đồng nhân dân tệ.
Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố không sử dụng đồng nhân dân tệ như một công cụ để giải quyết tranh chấp thương mại, song các nước lo ngại chiến tranh thương mại có thể lan sang lĩnh vực tiền tệ.
Đồng nhân dân tệ giảm giá là một yếu tố khiến Mỹ lâu nay chỉ trích Trung Quốc tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng và gia tăng thặng dư thương mại.
5. Kết thúc đàm phán RCEP
Việc 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 4/11 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tất cả các nước tham gia RCEP, trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại cản trở tiến trình toàn cầu hóa.
RCEP được kỳ vọng là một thỏa thuận thương mại thế hệ mới, linh hoạt hơn, đồng thời phản ánh sự phát triển hiện đại của thương mại toàn cầu.
6. Kế hoạch phát hành đồng Libra của Facebook gây lo ngại
Tập đoàn Facebook ngày 18/6 đã công bố kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số Libra vào giữa năm 2020, với tham vọng khắc phục nhiều điểm yếu của hệ thống thanh toán toàn cầu như phí cao và thiếu độ tin cậy.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước, do lo ngại về khả năng đồng Libra sẽ phá vỡ các hệ thống thanh toán và ngân hàng theo quy định hiện hành và tác động tới sự ổn định tài chính-tiền tệ.
Đồng Libra cũng thách thức vai trò của đồng USD và gây bất lợi cho nỗ lực chống nạn rửa tiền, trốn thuế, tội phạm mạng… trên toàn cầu.
7. Tạm dừng sản xuất máy bay Boeing MAX 737
Ngày 16/12, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ tuyên bố sẽ tạm dừng sản xuất máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020, vào thời điểm lệnh cấm bay đối với phiên bản bán chạy nhất của nhà chế tạo máy bay này sẽ kéo dài sang năm 2020.
Máy bay Boeing 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn cầu từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Hãng hàng không Lion Air và Ethiopian Airlines, khiến 346 người thiệt mạng.
Việc các đơn hàng mua máy bay 737 MAX bị hủy – do dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất này bị cấm bay – không chỉ tác động xấu đến lợi nhuận và doanh thu của Boeing, mà còn ảnh hưởng tới các nhà cung cấp linh kiện, nhà thầu phụ, các hãng hàng không và các thể chế tài chính trên toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ.
8. Nhiều tập đoàn công nghệ bị phạt nặng
Tập đoàn Facebook hồi tháng 7/2019 đã đồng ý nộp khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD để dàn xếp cáo buộc của Mỹ liên quan đến sự cố rò rỉ dữ liệu của người dùng hồi năm 2018.
Đây là minh chứng rõ nét cho làn sóng siết chặt quản lý và điều tra đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon và Apple trong các lĩnh vực như bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống độc quyền.
Hồi tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã phạt Google 1,69 tỷ USD vì cạnh tranh không lành mạnh khi chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của các đối tác.
Liên minh châu Âu cũng điều tra Amazon vì hành vi chống cạnh tranh liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ các nhà bán lẻ độc lập trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon.
9. Thiệt hại nặng nề do các vụ cháy rừng
Năm 2019 chứng kiến hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra trên khắp các châu lục, từ Nam Mỹ, nước Mỹ tới châu Âu, châu Á, châu Đại dương, trong đó phải kể đến thảm họa đối với “lá phổi xanh của hành tinh” Amazon.
Thảm họa cháy rừng Amazon bùng lên hồi tháng 8/2019 với nguyên nhân được cho là do hoạt động chặt phá rừng để phát triển chăn nuôi hoặc trồng trọt.
Các vụ cháy rừng Amazon không chỉ tàn phá môi trường, phá hủy đa dạng sinh thái, mà còn làm mất đi lợi ích kinh tế lên tới hơn 8,2 tỷ USD.
Hậu quả do các vụ cháy rừng tại Australia cũng hết sức nặng nề khi khoảng 700 ngôi nhà bị phá hủy, ít nhất 3 triệu ha rừng bị thiêu rụi, 20% độ che phủ rừng bị mất và nhiệt độ có lúc tăng lên gần 50 độ C trong tháng 12/2019.
10. Thế giới chung sức chống rác thải nhựa
Ngày 10/5, tại Geneva, Thụy Sĩ, khoảng 180 quốc gia đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel nhằm siết chặt quản lý hoạt động buôn bán rác thải nhựa.
Theo Công ước sửa đổi, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này.
Điều khoản sửa đổi sẽ khiến cho hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, đồng thời đảm bảo việc xử lý rác thải nhựa sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường./.
Ý kiến ()