10 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2019
Tổng cục Hải quan vừa công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2019.
Sự kiện 1: Tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 13 tại Việt Nam
Trong khuôn khổ hợp tác Hải quan ASEM năm 2019, Tổng cục Hải quan đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13, diễn ra từ ngày 9 – 10/10/2019 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị, với sự tham gia của 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức hải quan Thế giới (WCO), Liên minh Châu Âu và đại diện một số đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam, là sự kiện quốc tế lớn nhất về quy mô tổ chức của Hải quan Việt Nam từ trước đến nay.
Quang cảnh hội nghị. |
Thông qua Hội nghị, Hải quan Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ động và tham gia tích cực trong hợp tác hội nhập quốc tế, nhất là trong việc kết nối hai Châu lục Á, Âu để điều phối xử lý các thách thức chung đối với khu vực châu Á và châu Âu với mục tiêu xây dựng cơ quan hải quan hiện đại và chuyên nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục nỗ lực xây dựng và thực thi các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng giữa hai Châu lục; kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan hải quan để đấu tranh ngăn chặn buôn bán hàng giả và thực thi kiểm soát tại biên giới trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn việc vận chuyển bất hợp pháp các chất gây ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường.
Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các nhà Lãnh đạo Hải quan các nước thành viên, thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường nỗ lực kết nối Hải quan Á – Âu thông qua Tuyên bố Hạ Long và Kế hoạch hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021.
Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TWcủa Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 của Tổng cục Hải quan Việt Nam một lần nữa khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác Hải quan Á – Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Quan trọng hơn, Hội nghị đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Hải quan Việt Nam trong hợp tác hải quan ASEM đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam nói chung và thành tựu Hải quan Việt Nam nói riêng với bạn bè đồng nghiệp hải quan trên thế giới.
Sự kiện 2: Cơ quan Hải quan hoàn thành thủ tục thông quan cho 12,42 triệu tờ khai (tính đến thời điểm ngày 9/12/2019) với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019.
Biểu đồ XNK 500 tỷ USD |
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng đã ghi tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta cán mốc 400 tỷ USD trong tháng 12/2017 và cán mốc 200 tỷ USD trong tháng 12/2011.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới công bố ngày 02/04/2019 thì trong năm 2018: Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được xếp vị trí thứ 26 trên thế giới (tăng 1 bậc so với năm 2017) và có vị trị thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia); và Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được xếp vị trí thứ 23 trên thế giới (tăng 2 bậc so với năm 2017) và có vị thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Thái Lan). Trong ASEAN, nếu tính chung tổng trị giá xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa thì Việt Nam có vị trí thứ 3 (sau Singapore và Thái Lan).
Trong năm 2006, Việt Nam mới gia nhập nhóm 50 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới thì từ năm 2016 đến nay Việt Nam luôn ở trong nhóm 30 nước có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Sự kiện 3: Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2019
Hàng hóa XNK tại cảng Tân Vũ – Hải Phòng |
Tính đến ngày 25/11/2019, tổng số thu thuế của toàn ngành Hải quan đạt 312.548 tỷ đồng, bằng 104% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh (300.500 tỷ đồng) và đạt 99% chỉ tiêu phấn đấu BTC giao (315.500 tỷ đồng). Tổng cục Hải quan phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt 335.000 tỷ đồng, bằng 111,48% dự toán, bằng 106,2% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 6,56% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay từ đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã quyết liệt chỉ đạo toàn Ngành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2019; theo dõi sát sao các Cục Hải quan địa phương đảm bảo thu đúng, thu đủ và triển khai đầy đủ các giải pháp thu theo Chỉ thị số 723/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan; thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kế hoạch kiểm tra nội bộ; đặc biệt chú trọng công tác chống gian lận qua trị giá, thuế suất, xuất xứ, công tác thu hồi xử lý nợ đọng thuế.
Bên cạnh đó, Ngành Hải quan đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; đã ký thỏa thuận với 42 ngân hàng thương mại, trong đó có 30 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, đến cuối năm 2019 TCHQ đã triển khai Chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Như vậy, doanh nghiệp có thể áp dụng ba phương thức nộp thuế XNK: Thanh toán trực tiếp tại ngân hàng, nộp thuế điện tử 24/7, tham gia chương trình DN nhờ thu. Qua đó, tỷ lệ doanh nghiệp XNK nộp thuế điện tử qua ngân hàng sẽ đạt gần 100%.
Sự kiện 4: Tăng cường kiểm tra, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chống chuyển tải bất hợp pháp, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, tuân thủ pháp luật và uy tín của hàng hóa trên trường quốc tế, đồng thời phổ biến thông tin nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Linh kiện điện thoại Trung Quốc đột lốt Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng bắt giữ tháng 7/2019. |
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, trong đó nhiều quốc gia đang có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch và tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ… với mức thuế rất cao nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hàng hóa có xuất xứ Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước đối tác. Đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Dự báo hàng hóa từ các nước đang bị Hoa Kỳ áp dụng thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản,…để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp.., gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, làm mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.
Do vậy, Tổng cục Hải quan đã chủ động, tích cực và quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như sau:
Ngày 4/7/2019, Thủ tướng đã có quyết định số 824/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về việc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 về phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 về kế hoạch thực hiện Quyết định dẫn trên (trong đó có nội dung về theo dõi số liệu thống kê xuất nhập khẩu từ Trung Quốc và Hoa Kỳ).
Ngày 6/8/2019, Bộ Tài chính ban hành công văn số 885/BTC-TCHQ (Mật) báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đó đã đánh giá tình hình, thực trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; các vướng mắc, bất cập về chính sách liên quan đến lĩnh vực xuất xứ và ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo các nội dung mà Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện và đề xuất các giải pháp cho từng Bộ ngành có liên quan.
Ngày 13/8/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5189/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Tổng cục về kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp trong đó phân định rõ trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra việc ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp của một số Cục Hải quan địa phương (Cục Hải quan TP. Hà Nội, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan tỉnh Quảng, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn; Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh; Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương).
Ngày 14-15/11/2019, Tổng cục Hải quan đã phối hợp dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hội thảo có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan hải quan địa phương. Theo đánh giá của các đại biểu tham dự cho thấy hội thảo đã cung cấp những thông tin rất bổ ích, có chất lượng, đặc biệt là kỹ thuật kiểm tra xác định xuất xứ đối với các lô hàng xuất nhập khẩu.
Sự kiện 5: Nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu ma túy
Vụ 446 bánh heroin do Cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng bắt giữ tháng 11/2019. |
Thực tế thời gian qua, vấn nạn buôn bán vận chuyển ma túy diễn ra rộng khắp các tuyến, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm. Điều này làm cho lực lượng Hải quan ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm, bám sát Chỉ thị, Kế hoạch của Tổng cục, Cục ĐTCBL đã phối hợp sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành Hải quan như Công an, Biên phòng để hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống buôn lậu ma túy.
Nhờ đó, Cục đã chủ trì và phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn, trong đó, đề xuất xác lập 3 chuyên án lớn nhất. Kết quả bắt giữ được 30 đối tượng, thu giữ 446 bánh heroin, 363kg ma túy tổng hợp các loại, 507kg Ketamin và nhiều tang vật phạm tội khác .Ngoài ra, còn phối hợp với lực lượng hải quan địa phương phát hiện , bắt giữ gần 30 vụ việc, thu giữ 80kg ma túy các loại và 100 kg cocain từ Nam Phi về Việt Nam.
Trong đó, chuyên án nổi bật nhất là MT619 đấu tranh với đường dây do đối tượng là người Đài Loan điều hành, vận chuyển trái phép ma túy đi Đài Loan. Đây là chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 6) chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) và lực lượng chức năng phía Đài Loan qua hợp tác quốc tế, tiến hành từ khâu điều tra cơ bản, trinh sát cho đến tổ chức kế hoạch phá án. Kết quả, ngày 03/11/2019 đã triệt phá thành công đường dây vận chuyển buôn bán ma túy xuyên quốc gia này, thu giữ 446 bánh Heroin.
Ngoài ra, phối hợp với C04 Bộ Công an phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi nước thứ ba thuộc chuyên án LP218 của Bộ Công an, thu giữ tại tp. Hồ Chí Minh 300kg ma túy, 04 đối tượng và kịp thời chia sẻ thông tin với lực lượng chức năng của Philipin tiếp tục bắt giữ 276kg ma túy tổng hợp. Phối hợp với Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và các lực lượng chức năng phá thành công chuyên án M918 thu giữ 507kg Ketamin, bắt giữ 05 đối tượng.
Để đạt được những kết quả khả quan như trên là nhờ có sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ, động viên của Lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan; sự phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa các lực lượng; cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngại khó khăn, nguy hiểm của lực lượng kiểm soát hải quan.
Sự kiện 6: Triển khai chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu
Đây là chương trình Nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, sau khi phát sinh tờ khai nợ thuế, hệ thống Hải quan chuyển ngay thông tin số thuế phải nộp của từng tờ khai sang ngân hàng nơi doanh nghiệp đã ủy quyền trích nợ tài khoản nộp thuế về tiền thuế phải nộp trong khoảng thời gian nhất định. Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Việc nộp thuế, thanh khoản trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của doanh nghiệp và công chức hải quan.
Sự kiện 7: Tổng cục Hải quan được nhận giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc
Công chức Trung tâm Quản lý, vận hành hệ thống CNTT hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan) kiểm tra việc vận hành hệ thống máy chủ tại Trung tâm. |
Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards” lần thứ 2 năm 2019 được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều ngày 6/9/2019 tại Hà Nội.Giải thưởng này được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những thành tựu, đóng góp giá trị cho sự phát triển công nghệ số, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia.
Tổng cục Hải quan là một trong 13 cơ quan nhà nước các cấp được Hội đồng giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2019 đánh giá cao trong quá trình triển đổi số và nhận giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2019. Một số giải pháp ứng dụng công nghệ số tiêu biểu của đơn vị đã triển khai và được ghi nhận như: Phát triển và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyên môn và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính; Phát triển và hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ ngành Tài chính.
Sự kiện 8: Triển khai mở rộng đánh giá năng lực công chức chuyên môn nghiệp vụ từ 6 lĩnh vực lên 8 lĩnh vực nghiệp vụ cho hơn 2000 cán bộ công chức thuộc 28 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và 2 Vụ Cục thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan.
Cán bộ, công chức Hải quan các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa tham gia thi đánh giá năng lực tại Cụm thi số 2 (Cục Hải quan Bắc Ninh) từ ngày 26-28/11/2019. |
Năm 2019, tiếp theo các hoạt động tổ chức đánh giá năng lực công chức đang công tác trong 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính được triển khai năm 2018, Tổng cục Hải quan triển khai mở rộng đánh giá năng lực công chức thừa hành của 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính: lĩnh vực nghiệp vụ Thanh tra và Kiểm định trong toàn ngành; 06 lĩnh vực nghiệp vụ chính (Giám sát quản lý, Thuế xuất nhập khẩu, Chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro, Xử lý vi phạm) tại 28 Cục Hải quan tỉnh, thành phố chưa tổ chức đánh giá năng lực công chức năm 2018. Mục đích của việc đánh giá năng lực năm 2019 là tạo phong trào học tập, đào tạo, nâng cao năng lực công chức, từng bước thí điểm ứng dụng vào công tác bố trí, sắp xếp, điều động luân chuyển công chức phù hợp với năng lực.
Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức đánh giá năng lực theo cụm thi, cụ thể gồm 7 cụm được tổ chức tại Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Bình, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ và trụ sở Tổng cục Hải quan. Đợt thi đánh giá năng lực năm 2019 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 19/11/2019 tại Bắc Ninh.
Sự kiện 9: Ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.
Toàn cảnh lễ ký Hiệp định giữa hai Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. |
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan đã trải qua một tiến trình đàm phán kéo dài từ những năm 2000, có những thời điểm việc đàm phán bị gián đoạn do sự khác biệt về thẩm quyền cũng như cách tiếp cận, nhưng với những quyết tâm, nỗ lực của cả hai phía trong việc tháo gỡ những vướng mắc, thu hẹp khoảng cách trong quan điểm và cách tiếp cận trong vài năm trở lại đây, việc đàm phán Hiệp định đã được hoàn tất và Hiệp định đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai theo ủy quyền của Chính phủ Việt Nam và Đại biện Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Caryn McClelland theo ủy quyền của Chính phủ Hoa Kỳ ký vào ngày 6/12/2019.
Việc ký Hiệp định này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo nền tảng pháp lý cho mối quan hệ chính thức và cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan hải quan nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan hải quan. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tăng như hiện nay, các hoạt động hỗ trợ và hợp tác giữa hai Bên theo Hiệp định sẽ đem lại những đóng góp thực chất cho công tác đấu tranh chống các hoạt động gian lận, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua lãnh thổ của một bên nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Việc ký Hiệp định này cũng sẽ là dấu mốc quan trọng hướng tới dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào năm 2020, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Sự kiện 10: Tổng cục Hải quan tiếp nhận và khởi động Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ
Lễ khởi động dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ. |
Ngày 10/7/2019, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ chính thức được khởi động tại Hà Nội. Tham dự Lễ khởi động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID Việt Nam), Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan và các Bộ/ngành liên quan, đại diện một số Đại sứ quán và một số Tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ” đã được Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản và Tổng cục Hải quan là chủ dự án. Tổng vốn viện trợ của dự án: 21.785.000 USD, là dự án có vốn ODA lớn nhất mà Tổng cục Hải quan từng tiếp nhận. Dự án sẽ được thực hiện trong 05 năm với mục tiêu tổng thể là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định. Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ được Chính phủ xác định là hết sức thiết thực, đúng thời điểm và rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới. Với nguồn hỗ trợ có giá trị lớn, dự án được hy vọng sẽ mang lại nguồn trợ giúp vô cùng quý báu hỗ trợ thực hiện các cam kết của Hiệp định WTO TFA nói riêng và các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại nói chung của Việt Nam./.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()