10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017
Năm 2017 khép lại. Sau đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2017 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.
1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”
Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nghị quyết quan trọng này là sản phẩm của thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta phát triển sâu sắc quan điểm về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN gắn chặt với tổng kết thực tiễn 30 năm Đổi mới toàn diện đất nước và tiếp thu thành tựu lý luận kinh tế hiện đại.
Nghị quyết này khi đi vào cuộc sống sẽ cổ vũ, động viên mạnh mẽ 500.000 doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển lành mạnh, đúng hướng và bền vững, đặc biệt sẽ thổi bùng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của hàng triệu lao động có trí tuệ, tâm huyết để đến năm 2030 nước ta có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 60-65% GDP cả nước.
2. GDP tăng cao nhất trong vòng 6 năm: 6,81%
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, GDP cả năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó quý I tăng 5,15%, quý II là 6,28%, quý III 7,46% và quý IV tăng 7,65%. Như vậy mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và cao hơn mức tăng trưởng của các năm từ 2011 đến 2016.
3. APEC 2017: Thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế của Việt Nam
Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 diễn ra đầu tháng 11 với 21 lãnh đạo nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nhóm họp tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân sự kiện này, các hợp tác song phương với Mỹ trị giá 12 tỷ USD đã được ký kết.
4. Quốc hội thông qua siêu dự án cao tốc Bắc – Nam
Dự án này sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án lên tới 118.716 tỉ đồng.
Dự án này có vai trò là trục xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia sẽ tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng đường bộ, với sức lan tỏa đến không chỉ 20 tỉnh, thành phố dự án đi qua, mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước; kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% cảng biển loại I-II và 67% khu kinh tế của cả nước. Đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ, trong khi, đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
5. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 400 tỷ USD, vốn FDI cao kỷ lục
Năm 2017, ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Vượt qua những khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động XNK. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch XNK đạt hơn 100 tỷ USD. Hơn 4 năm sau (2011), quy mô XNK đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Bốn năm sau đó (2015) đã lên 300 tỷ USD. Hai năm tiếp theo, tổng kim ngạch XNK đã đạt 400 tỷ USD. Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã tăng 4 lần.
Nhờ những kết quả trên mà thứ hạng về XNK của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của nước ta từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng từ vị trí 41 trong năm 2007 lên 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam năm 2017 đạt kỷ lục với số vốn đăng ký gần 36 tỷ USD, tăng gần 45% so với năm 2016. Số vốn này đã tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước (năm 2014 đạt 20 tỷ USD). Không những đạt kỷ lục về vốn thu hút, số vốn FDI cũng cao nhất từ trước tới nay với con số 17,5 tỷ USD.
Một số chuyên gia cho rằng, có thể gọi 2017 là năm được mùa các dự án tỷ USD. Hàng loạt dự án ngành sản xuất phân phối điện, công nghiệp chế biến chế tạo hút dòng vốn FDI tỷ USD về Việt Nam như DA đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) vốn đầu tư 2,79 tỷ USD; DA Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2,58 tỷ USD; DA nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, vốn đầu tư 2,07 tỷ USD; DA Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh. DA đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD…
6. Dự trữ ngoại hối tăng, bổ sung cơ sở pháp lý tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
2017 được đánh giá là một năm rất thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Hàng loạt dấu ấn trong điều hành được ghi nhận như thị trường lãi suất ổn định và giảm nhẹ góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; thanh khoản hệ thống dồi dào sự bơm vào – hút ra của NHNN trên thị trường luôn nhịp nhàng, cân đối; tỷ giá VND/USD theo đó cũng có một năm “lặng sóng” với giá USD giảm tới 1,4% (mức giảm lớn nhất từ trước đến nay) đi kèm dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục cao chưa từng có (xấp xỉ 50 tỷ USD).
Cũng trong năm 2017, kỷ luật kỷ cương lĩnh vực ngân hàng được siết chặt. Đây cũng là năm số vụ đại án ngân hàng đưa ra xử lý nhiều “nhất”, như: Đông bị cáo nhất (Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương và các đối tượng liên quan), chiếm nhiều thời lượng, giấy mực như vụ án Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng…
2017 cũng là năm ngành ngân hàng “ghi điểm” khi thông qua Đề án tái cơ cấu ngành 2016 – 2020; Xây dựng hàng loạt văn bản pháp luật “rào giậu” tốt hệ thống, được Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu thực sự khơi thông dòng vốn cho các ngân hàng và nền kinh tế. Đặc biệt với việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, NHNN kỳ vọng hoạt động ngân hàng giai đoạn tới sẽ lành mạnh hơn.
7. Doanh thu ngành du lịch tăng kỷ lục
Tăng 30%, tương đương 13 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2017 – ngành du lịch Việt Nam không chỉ vượt kế hoạch, mà còn có bước nhảy vọt trên trường quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng (23 tỷ USD), đóng góp khoảng 7% vào GDP. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam vào vị trí 6/10 điểm đến phát triển nhanh nhất năm. Việt Nam cũng tăng 8 bậc (67/136) về năng lực cạnh tranh Lữ hành và Du lịch, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đây cũng thể hiện rõ Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đi vào cuộc sống.
8. Thoái vốn – IPO thành công với các thương hiệu mạnh
Theo Bộ Công Thương, phiên chào bán cổ phần của Sabeco chiều 18/12 đã thành công tốt đẹp. Thông qua phiên chào bán này, Chính phủ đã thu được khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương với 5 tỷ USD – số tiền kỷ lục cho một phiên thoái vốn.
Trước đó, việc thoái vốn ở Vinamilk đã thu về số tiền gần 9.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, sự thành công của phiên chào bán Sabeco và Vinamilk trước đó là sự khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ về chủ trương “Chính phủ không bán bia, bán sữa” như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việc thoái vốn này không những tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán mà còn giúp các doanh nghiệp khác có cơ hội để huy động vốn tích cực thông qua thị trường này.
9.Xử lý một loạt sai phạm kinh tế ở một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại: PVN, Hóa chất, Cao su, Ocean Bank…
Đây là quyết tâm chính trị, thể hiện rõ sự dứt khoát, cương quyết của Đảng và Nhà nước, phù hợp với lòng dân, “không có vùng cấm”, thể hiện rõ ý nguyện của nhân dân. Nhiều cán bộ cao cấp, tuỳ theo mức độ sai phạm đã bị nhận những hình thức kỷ luật nghiêm minh.
Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm trưởng ban đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý nhiều đại án kinh tế, tham nhũng. Hành động quyết liệt của người đứng đầu Đảng khơi lại niềm tin và sự kỳ vọng vào một bộ máy lãnh đạo đất nước ngày càng trong sạch.
10. BOT – điểm nóng của năm
Câu chuyện này vừa qua đã tạo điểm nóng của xã hội. BOT – một chủ trương đúng đắn, giúp thay đổi diện mạo giao thông bỗng bị phản ứng gay gắt bởi “vị trí” đặt trạm thu phí. Nhiều trạm không chỉ “ép” dân trả tiền cho đoạn đường không sử dụng mà còn tước quyền đi trên quốc lộ – con đường dân vẫn nộp phí bảo trì hàng năm./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()