10 sự kiện khoa học trong nước tiêu biểu năm 2016
Chiều 27/12, CLB Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2016 thuộc 5 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học.
Lần đầu tiên tổ chức Lễ trao giải Trần Đại Nghĩa |
Đây là năm thứ 11 đơn vị trên tổ chức sự kiện bình chọn này. Cùng với hệ thống các giải thưởng, cuộc bình chọn là một cách đánh giá khách quan, thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh của xã hội thông qua góc nhìn của các nhà báo chuyên theo dõi lĩnh vực khoa học công nghệ.
1. Ban hành 2 nghị quyết liên quan hoạt động khoa học và công nghệ
Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết khẳng định: Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học-công nghệ, nhất là khoa học-công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
2. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”. Mục tiêu của đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
3. Lần đầu tiên trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa
Sáng 11/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất. Giải thưởng nhằm tôn vinh tác giả của các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học xuất sắc và đã triển khai ứng dụng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng mỗi năm một lần. Năm nay, Ban Tổ chức nhận được 15 công trình tham gia Giải thưởng thuộc 3 lĩnh vực: Khoa học thông tin và khoa học máy tính; hóa học; khoa học sự sống.
4. Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Từ ngày 15-16/12 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp các bộ, ngành và các trung tâm nghiên cứu lớn tại Việt Nam tổ chức. Các kết quả về chuyên môn chuyên sâu được báo cáo tại Hội thảo lần này, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình, qua đó sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam.
Một điểm mới là tại Hội thảo lần này đề cập nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu. Cùng với việc nhận rõ vai trò của công nghệ và khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam và để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.
Các di tích khảo cổ được phát hiện ở An Khê |
5. Phát hiện di tích thời đại Đá cũ ở An Khê-Gia Lai
Cuối năm 2014, 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai lần đầu được phát hiện khi các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) tiến hành nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai.
Năm 2016, các nhà khảo cổ học đã khảo sát một số di tích như Rộc Hương (phường An Tân), Rộc Giáo (phường Ngô Mây), Rộc Lớn (phường An Phước), phát hiện thêm di tích Rộc Nếp (xã Cửu An). Điều đáng chú ý là đợt khảo sát này còn phát hiện hai rìu tay ở di tích Rộc Giáo và Rộc Lớn. Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam sẽ kiến nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ đồ đá cũ ở An Khê là di tích quốc gia đặc biệt.
6. Các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 đang góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
Hệ thống 15 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước được triển khai trong giai đoạn 2011-2015 bao gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC) và 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Sau 5 năm triển khai, các chương trình đã đạt được những thành tựu đáng kể, không chỉ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, mà còn đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất |
7. Việt Nam sản xuất thành công vaccine sởi-rubella
Tháng 11/2016, Bộ Y tế công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vaccine phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sản xuất. Đây là vaccine MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Trong thời gian tới, POLYVAC sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vaccine MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.
8. Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam
Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn và giao cho các đơn vị tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức triển khai xây dựng cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo; nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn-hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
TS. Đỗ Hoàng Tùng và TS. Nguyễn Thế Anh bên chiếc máy PlasmaMed |
9. Sản xuất thành công máy Plasma lạnh
Sau 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm, TS. Đỗ Hoàng Tùng cùng các cộng sự đã sáng chế thành công máy phát tia plasma lạnh có tên PlasmaMed, ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma – GAP).
Sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, máy PlasmaMed của nhóm nghiên cứu đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng sáng chế cho TS. Đỗ Hoàng Tùng và các cộng sự. Hiện nay, có khoảng 11 máy PlasmaMed đang được đặt ở nhiều bệnh viện lớn.
10. Năm người Việt Nam thuộc nhóm các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới
Theo công bố của Thomson Reuters (tổ chức hàng đầu thế giới về thông tin tri thức), năm 2016, có 5 người Việt lọt vào Top 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, đó là: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng; GS.TS Nguyễn Sơn Bình; GS.TS Nguyễn Thục Quyên; GS.TS Võ Văn Ánh; TS. Trần Phan Lam Sơn.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()