10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2009
Những sự kiện KH-CN nổi bật năm 2009 ở Việt Nam do Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học – Công nghệ (KH-CN) bình chọn.
Lĩnh vực cơ chế chính sách
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường
Nguyễn Văn Đức tại Lễ công bố
1. Kết luận của Bộ Chính trị về “Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về khoa học công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020”
Ngày 1-4, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận số 234-TB/ T. Ư về “ Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết TƯ 2 (Khóa VIII) về khoa học công nghệ và nhiệm vụ giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020”. Mục tiêu của ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020: Xây dựng được một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; về cơ bản có khả năng tự chủ những công nghệ tiên tiến then chốt trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế; trở thành động lực trực tiếp đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
2. Thông qua chủ trương xây hai nhà máy điện hạt nhân
Ngày 25-11, Quốc hội khóa XII chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể, quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có hai tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Hàm Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với công suất mỗi nhà máy 2.000MW.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Ninh thuận |
Về lộ trình thực hiện, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Riêng thời điểm khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, căn cứ tình hình thực tế Chính phủ sẽ báo cáo để Quốc hội quyết định.
Lĩnh vực nghiên cứu cơ bản
3. Sản xuất thành công vaccine H1N1 trong phòng thí nghiệm
Sau hơn 5 tháng làm việc, nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã cho ra đời mẻ vaccine cúm A/H1N1 đầu tiên. Những thử nghiệm lâm sàng trên động vật cho thấy, đây là loại vaccine có tính hiệu quả và độ an toàn cao. TS Cao Thị Bảo Vân, Viện phó Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đây là loại vaccine được sản xuất bằng kỹ thuật nuôi cấy trên tế bào. Công nghệ này có ưu thế vượt trội so với quy trình cổ điển sản xuất văcxin cúm trên trứng gà có phôi. Với ưu điểm của công nghệ này, nhà sản xuất có thể sản xuất một lượng vaccine lớn nhanh chóng mà không phụ thuộc vào nguồn trứng gà sạch. Hiện lô vaccine đầu tiên đang được tại nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tiến hành các thử nghiệm đánh giá tiền lâm sàng. Thời gian để loại vaccine này được sử dụng đại trà sẽ phụ thuộc vào thời gian thử nghiệm.
4. Công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam
Bản đồ phạm vi ngập của đồng bằng sông Cửu Long theo kịch bản nước biển dâng 1m của Bộ Tài nguyên – môi trường VN |
Các kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam trong thế kỷ 21 đã được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính cao và trung bình. Kịch bản hài hòa nhất là kịch bản trung bình được kiến nghị cho các bộ ngành và địa phương làm cơ sở để triển khai. Theo kịch bản nói trên, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ nước ta có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Mức tăng nhiệt độ dao động từ 1,6 đến 2,8 độ C ở các vùng khí hậu khác nhau. Lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa ở tất cả các vùng khí hậu đều tăng, mùa khô có xu hướng giảm.
Hàng chục nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện KH-CN Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam… đã hợp tác với nhau để hoàn thành kịch bản.
Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng
5. Lần đầu tiên Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G
Với việc mạng di động đầu tiên ở Việt Nam là VinaPhone chính thức cung cấp các dịch vụ 3G, mạng di động thế hệ thứ 3 (third-generation technology) chính thức có mặt ở Việt Nam. Đây là phát súng đầu tiên mở màn cho việc ứng dụng công nghệ 3G vốn được cho là khơi dậy nhiều tiện ích giải trí, ứng dụng cho điện thoại di động, và phát triển mạng băng rộng không dây. Việc cũng cấp dịch vụ này còn hứa hẹn cuộc đua công nghệ với các nhà cung cấp dịch vụ khác, và người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Sau khi VinaPhone chính thức cung cấp dịch vụ 3G vào giữa tháng 10 vừa qua, MobiFone, Viettel và liên danh Hanoi Telecom – EVN Telecom cũng sẽ sớm cung cấp dịch vụ này.
6. Robot Việt Nam gây tiếng vang lớn ở thị trường quốc tế
TOPIO, robot đánh bóng bàn mang hình dáng người đầu tiên và duy nhất trên thế giới |
Năm 2009, một lần nữa, TOPIO, robot đánh bóng bàn mang hình dáng người đầu tiên và duy nhất trên thế giới do Công ty cổ phần Robot TOSY của Việt Nam nghiên cứu và chế tạo tiếp tục gây được sự chú ý khi tham dự các triển lãm quốc tế về robot. Năm 2007, TOPIO phiên bản 1 đã xuất hiện tại IREX 2007 (triển lãm về robot tại Tokyo, Nhật Bản). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có robot dáng người tham dự cuộc triển lãm robot có quy mô lớn nhất thế giới và gây được sự chú ý của cộng đồng thế giới. Không chỉ có TOPIO, hàng loạt các robot công nghiệp do TOSY sản xuất khi tham dự các triển lãm lớn cũng gây được sự chú ý. Hàng loạt hợp đồng đặt hàng từ Đức, Australia, Nhật Bản… đã được ký kết.
7. Việt Nam có trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT đầu tiên châu Á
Trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam chính thức hoạt động sáng 9-7. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT. Trạm thu ảnh vệ tinh là hạng mục quan trọng nhất của dự án Xây dựng Hệ thống giám sát Tài nguyên và Môi trường tại Việt Nam (ENRMS). Trạm thu ảnh vệ tinh là trạm thu thứ 5 trong khối ASEAN và là trạm thu hiện đại, được lựa chọn lắp đặt các thiết bị kỹ thuật sử dụng công nghệ mới nhất của EADS – Tập đoàn Hàng không và Vũ trụ quốc phòng Pháp. Trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam là trạm thu đầu tiên ở châu Á thu được ảnh vệ tinh ENVISAT. Hiện nay, ảnh vệ tinh ENVISAT chỉ thu được ở châu Âu.
8. Techmart ASEAN 3
Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong tại Techmart Vietnam ASEAN 3 |
Techmart Vietnam ASEAN 3 là một hội chợ lớn nhất bởi có sự có mặt của một số nước trong khối ASEAN và ba nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số đơn vị trong nước tham gia lên tới con số khó tin: 651, trong đó có 46 viện và các trung tâm nghiên cứu phát triển, 14 trường đại học, 10 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và 542 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cùng với 39 sở khoa học và công nghệ. 778 gian hàng được trình bày gọn gàng mà trang trọng, chào bán gần 3.000 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm và dịch vụ. Về phía nước ngoài có 49 gian hàng của 51 đơn vị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, giới thiệu một cách chọn lọc những công nghệ có giá trị cao, phù hợp với hoàn cảnh nước ta.
Lần đầu tiên, 160 đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước có dịp cọ xát với thực tế để rút kinh nghiệm, đề tài nào là thiết thực và cần triển khai (thông qua sự quan tâm của các đối tác mua công nghệ). 14 nhà “khoa học bình dân” (hoặc nhà khoa học chân đất như người ta thường gọi) cũng mang đến Techmart giới thiệu những sáng tạo và cải tiến của mình. Hơn 2.000 hợp đồng kinh tế và bản ghi nhớ đã được các bên ký kết với tổng giá trị đạt 1.718 tỷ đồng, trong đó có 373 hợp đồng kinh tế với tổng giá trị 1.463 tỷ đồng.
9. Nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu được bình chọn là sự kiện KH nổi bật thế giới năm 2009
Công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của GS Ngô Bảo Châu và GS Gerard Laumon vừa được tạp chí nổi tiếng thế giới Times bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học kiệt xuất thế giới năm 2009. Theo đó, năm 1979 nhà toán học người Canada Robert Langlands đã đưa ra giả thuyết nổi tiếng với tên gọi “Chương trình Langlands”. Nếu giả thiết này được chính minh là đúng thì loài người gần như có được một cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành của toán học hiện đại: số học, đại số và giải tích. Suốt 30 năm qua, chương trình Langlands thu hút sự quan tâm của những nhà toán học nổi tiếng nhất thế giới. Trong quá trình cố gắng chứng minh chương trình Langlands, nhiều thành tựu kiệt xuất của toán học đã ra đời, và nhiều nhà toán học đã vinh dự nhận Giải thưởng Fields (giải thưởng cao nhất của toán học, tương đương với giải Nobel trong một số ngành khác). Tuy nhiên, để hoàn tất công việc này, vẫn còn một trở ngại lớn, mà trước đây người ta chưa hình dung được hết khó khăn: đó là phải chứng minh “Bổ đề cơ bản”. Năm 2004, cùng với GS Gerard Laumon, GS Ngô Bảo Châu đã chứng minh “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita”. Nhờ công trình này hai tác giả đã được tặng giải thưởng danh giá của Viện toán học Clay dành cho những thành tựu kiệt xuất nhất. Trong 1-2 năm gần đây, GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra một chứng minh thiên tài cho “Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát”. Chứng minh đó đã được công đồng toán học thế giới kiểm chứng là chính xác. Theo đánh giá của giới toán học, nhiều khả năng GS Ngô Bảo Châu sẽ được nhận giải thưởng Fields tại Đại hội toán học thế giới năm 2010 họp tai Hyderabad (Ấn Độ). GS Ngô Bảo Châu hiện công tác tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (Hoa Kỳ), đồng thời là GS của Viện Toán học (Viện KH-CN Việt Nam ).
Lĩnh vực Khoa học Xã hội Nhân văn
10. Phát hiện sắc chỉ quý liên quan đến Hoàng Sa
Sắc chỉ của triều đình Nhà Nguyễn sai phái đội thuỷ quân ra Hoàng Sa |
Ngày 31-3, thông qua việc sưu tầm nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã phát hiện tại gia đình ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đang cất giữ một sắc chỉ quý (bản gốc) của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà tộc họ Đặng đã gìn giữ hơn 170 năm qua.
Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm ba chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi – 1835).
Sắc chỉ ghi rõ: Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền; giao Đặng Văn Siểm (dòng họ ông Đặng đang giữ tài liệu) lo kham việc đà công (người dẫn đường); giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần.
Đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc tính đến thời điểm phát hiện mà các dòng tộc trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ, liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đây, nhiều tộc họ, gia đình cũng đã cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều sắc chỉ và tài liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đều bằng bản photocopy.
Ý kiến ()