10 smartphone "đỉnh" nhất năm 2013
Năm 2013 tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ vũ bão của hàng loạt mẫu smartphone mới. Không có gì bất ngờ khi danh sách những bom tấn hàng đầu năm nay tiếp tục là sự thống trị của những tên tuổi quen thuộc mà năm nào cũng góp mặt, chẳng hạn như Apple với iPhone 5S, Samsung với Galaxy S4 và Motorola với Moto X.
Các vị trí còn lại đều là các smartphone đầu bảng của những tên tuổi quen thuộc, nhưng đánh dấu một sự khởi đầu hoàn toàn mới của họ trong việc tìm kiếm sự khác biệt và bản sắc cá nhân. Đó có thể là HTC với siêu phẩm tuyệt đẹp One, LG với G2 hay Lumia với smartphone siêu chụp hình Lumia 1020.
Dưới đây là top 10 smartphone tốt nhất năm 2013 theo bình chọn của CNET.
1. Samsung Galaxy S4
Galaxy S4 chính là một trong những smartphone Android bán chạy nhất của năm, nếu không muốn nói là ăn khách nhất. Con dế này trang bị vi xử lý lõi tứ, camera đầu bảng 13MP và hàng tấn tính năng phần mềm mới độc quyền của Samsung.
Ưu điểm: Galaxy S4 được cài sẵn Android 4.2.2, sở hữu camera ấn tượng với khả năng chụp hình đẹp, vi xử lý mạnh mẽ và rất nhiều giải pháp phần mềm thú vị, chẳng hạn như điều khiển từ xa hồng ngoại, hỗ trợ NFC, tự động chuyển trang theo ánh mắt, pin thay thế được và hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD.
Nhược điểm: Màn hình tối hơn so với các smartphone đối thủ, thiết kế vỏ nhựa thiếu sự sang trọng, lịch lãm và nút Power của Galaxy S4 hay bị trục trặc. Không phải chế độ chụp ảnh mặc định nào cũng hay như nhứa hẹn và một danh sách dài các tính năng mới khiến người dùng nhanh chóng nhầm lẫn, rối bời.
Kết luận: Phải mất một thời gian để làm quen và sử dụng thành thạo hết tính năng của S4, song về cơ bản, đây vẫn là lựa chọn hàng đầu cho bất cứ ai chuộng màn hình lớn và sự đa năng.
2. Nexus 5
Chỉ mới cách đâu ít lâu thôi, ngoài các fan cứng của Android thì chẳng mấy ai cảm thấy hào hứng với smartphone Nexus cả. Tuy nhiên, có vẻ như dòng smartphone của Google đã trở nên đại chúng hơn. Phiên bản mới nhất – Nexus 5 là một sản phẩm ăn khách với màn hình sắc nét 1080p, kết nối 4G LTE và cài đặt hệ điều hành Android 4.4 KitKat mới nhất.
Ưu điểm: Thiết kế của Nexus 5 được đánh giá là đẹp mắt và khá thời thượng, khung máy chắc chắn, chất lượng cuộc gọi trong vắt, thời lượng pin lâu và tích hợp dịch vụ Google Now rất sâu. Nhưng vượt trên tất thảy chính là mức giá hết sức hợp lý của nó.
Nhược điểm: Màn hình Nexus 5 cũng bị chê là tối hơn các đối thủ và các chế độ tự động của camera không xuất sắc lắm.
Kết luận: Hiệu suất cao, cấu hình cao cấp và mức giá siêu mềm mại khiến cho Nexus 5 không chỉ là con dế không khóa tốt nhất thị trường hiện nay mà còn là gương mặt xuất chúng nhất của họ máy Nexus.
3. iPhone 5S
Nếu so sánh với model tiền nhiệm, iPhone 5S không phải là sự lột xác hay cải tổ mãnh liệt. Dù vậy, Apple vẫn trình diễn được một thiết bị ổn ở mọi phương diện với vi xử lý 64-bit A7, camera nâng cấp và máy quét vân tay.
Ưu điểm: iPhone 5S sở hữu thiết kế đẹp mắt và sành điệu, cảm biến vân tay nhạy và nuột, camera của iPhone 5S vẫn thuộc loại đỉnh nhất thị trường về chất lượng ảnh chụp. Apple cũng tặng không người dùng bộ ứng dụng iWork, một số cải tiến ở hệ điều hành iOS7 như truyền file không dây AirDrop và Trung tâm Điều khiển học theo Android.
Nhược điểm: Màn hình vẫn chỉ dừng lại ở 4-inch khiến cho iPhone 5S trông thật tí hon nếu đặt cạnh các đối thủ hoành tráng của phe Android. Hiện tại, cảm biến vân tay mới chỉ tương thích với duy nhất ứng dụng của Apple, song nhược điểm này sẽ sớm được khắc phục. Vi xử lý A7 chưa có cơ hội thể hiện hết sức mạnh của nó do chưa có ứng dụng hỗ trợ và sự khác biệt về giao diện của iOS 7 khiến các fan iPhone lâu năm cảm thấy không thật sự hài lòng.
Kết luận: iPhone 5S là smartphone cao cấp nhất, tiên tiến nhất mà Apple từng tung ra, nhưng không có nhiều sự khác biệt với iPhone 5 nên một sự lên đời máy là không cần thiết.
4. Lumia 1020
Với những ai mê chụp ảnh nhưng cảm thấy chưa thỏa mãn với khả năng chụp hình của smartphone, hãy nói lời “xin chào” với Lumia 1020, con dế Windows Phone đầu tiên trang bị camera khủng 41MP, đèn flash xenon và ống kính 6 lớp của Carl Zeiss.
Ưu điểm: Lumia 1020 có khả năng chụp được những bức hình với độ phân giải cực cao, hình ảnh sắc nét, mịn màng và mang đến những tùy chỉnh đầy sáng tạo.
Nhược điểm: Một sản phẩm nhắm đến đối tượng người dùng hẹp, giá đắt hơn các smartphone cao cấp khác khoảng 100 USD. Ống kính Carl Zeiss khiến máy hơi cồng kềnh một chút và nhiều ứng dụng chụp hình khá phức tạp, gây bối rối cho người dùng.
Kết luận: Các tín đồ chụp hình sẽ yêu Lumia 1020 hết lòng, nhưng người dùng đại trà sẽ vẫn gắn bó với các dòng điện thoại chụp hình rẻ hơn, dễ dùng hơn.
5. HTC One
Nếu xét riêng về ngoại hình thì không một smartphone Android nào trong năm nay có thể địch được với One. Sở hữu một khung máy kim loại liền khối bằng nhôm siêu nhẹ, mẫu smartphone đầu bảng của HTC là một tác phẩm chế tác đích thực. Đồng thời, vẻ đẹp “nội tâm” của nó cũng không thua kém với vi xử lý Snapdragon lõi tứ, camera UltraPixel và giao diện cải tiến Sense UI.
Ưu điểm: Thiết kế kim loại cực đẹp và bắt mắt, vi xử lý mạnh mẽ, màn hình 4,7 inch 1080p tuyệt đẹp. Máy trang bị nhiều ứng dụng chụp hình thú vị và có khả năng chụp được những bức hình rất tuyệt.
Nhược điểm: Thiết kế liền khối đồng nghĩa với việc pin sẽ không thể thay thế được cũng như không có khe cắm thẻ nhớ microSD nào. Phần mềm bl
Kết luận: HTC One là một smartphone gần như hoàn hảo về thiết kế cũng như cấu hình, nhưng lại bị tiếp thị và phân phối quá kém nên sức tiêu thụ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà sản xuất.
6. LG G2
Bạn chưa từng là fan của LG? Có thể bạn sẽ đổi ý với G2, smartphone đầu bảng của LG trong năm nay với vi xử lý lõi tứ Snapdragon 800 cao cấp của Qualcomm, màn hình 1080p 5,2 inch cực nét và camera khởi động cực nhanh. Và như thể những tính năng đó chưa đủ để khiến G2 nổi bật, LG còn quyết định bỗ trí lại các nút bấm điều khiển ra mặt sau thân máy, tuyên bố sự hoán đổi này sẽ giúp người dùng thao tác thuận tiện hơn.
Ưu điểm: G2 sở hữu vi xử lý di động đầu bảng hiện nay, màn hình lớn và camera mạnh mẽ với khả năng chụp hình nhanh như chớp.
Nhược điểm: Nút bấm mặt sau sẽ khiến bạn cần có thời gian để làm quen. Các tính năng phần mềm mới không thực sự trực quan và không có khe cắm thẻ nhớ microSD.
Kết luận: Nếu như bạn chấp nhận được một số khiếm khuyết nhỏ về thiết kế thì G2 vẫn là một sự lựa chọn không phải hối tiếc.
7. Samsung Galaxy Note 3
Với tư cách ông vua của lãnh địa phablet, Galaxy Note 3 là “hàng khủng” thực sự về cấu hình với màn hình 5,7 inch, bút cảm ứng S Pen, hàng loạt phần mềm văn phòng giúp người dùng quản lý công việc và đời tư cá nhân của mình một cách dễ dàng.
Ưu điểm: Samsung Galaxy Note 3 sở hữu màn hình tuyệt đẹp, vi xử lý lõi tứ mạnh mẽ, bút S Pen thông minh, thời lượng pin lâu, chất lượng cuộc gọi tốt và chụp hình ổn.
Nhược điểm: Note 3 đắt, hơi to quá và vỏ máy bằng chất liệu giả da cũng không khá hơn nhựa plastic là mấy.
Kết luận: Galaxy Note 3 vẫn là lựa chọn thuyết phục nhất cho những ai chuộng điện thoại cỡ khủng, bất chấp giá thành và một số nhược điểm nhỏ về ngoại hình.
8. Moto X
Phải thừa nhận Moto X không phải là con dế mạnh nhất thị trường hiện nay, nhưng cấu hình của nó vẫn rất đáng khen ngợi với vi xử lý S4 Pro và GPU Adreno 320, tính năng điều khiển bằng giọng nói tiện lợi. Hơn nữa, điểm thu hút chính của Moto X là những lựa chọn mang tính cá nhân hóa cao độ mà nó mang đến cho người dùng, từ chất liệu vỏ ốp cho đến màu sắc điện thoại…
Ưu điểm: Motorola X sở hữu camera khá nhanh và khả năng điều khiển bằng giọng nói sáng tạo. Tất cả được bố trí bên trong một thiết kế khá tinh xảo, hài hòa giữa kích cỡ với sự tiện lợi. Máy có thời lượng pin lâu và vô số lựa chọn về tùy biến ngoại hình.
Nhược điểm: không có khe cắm thẻ nhớ, màn hình không sắc nét bằng một số đối thủ.
Kết luận: Dù chất lượng màn hình và dung lượng lưu trữ có thua kém hơn một số siêu dế đối thủ thì sự tiện lợi và thiết kế của Moto X vẫn là một điểm cộng lớn.
9. Nokia 925
Chất liệu kim loại luôn tạo nên những thiết kế tuyệt vời cho smartphone và Nokia 925 cũng không phải là ngoại lệ. Con dế này bắt mắt nhờ thân máy bằng nhôm siêu nhẹ, camera PureView 8.7 MP chụp ảnh yếu sáng rất tốt và có giá bán khá mềm mại.
Ưu điểm: Máy mỏng, nhẹ, thời trang, chắc chắn. Camera chụp hình đẹp, nhất là trong ánh sáng tối. Giá bán hợp lý, hỗ trợ chuẩn 4G LTE.
Nhược điểm: Hơi rộng ngang nên không thật sự thoải mái cho người dùng khi cầm trên tay. Bộ nhớ hơi nhỏ.
Kết luận: 925 mang đến một trải nghiệm Windows Phone cao cấp nhưng không có điểm nào thật sự khác biệt, độc đáo để lôi kéo người dùng từ các nền tảng khác như Android, iOS.
10. LG Optimus G Pro
Với màn hình 1080p 5,5 inch, vi xử lý Snapdragon 600, camera 13MP, Optimus G Pro là một đối thủ đáng gờm của họ Samsung Galaxy Note. Dù không có bút cảm biến như đối thủ nhưng giá bán của G Pro lại cạnh tranh hơn.
Ưu điểm: Optimus G Pro sở hữu cấu hình ấn tượng, màn hình tươi sáng, sắc nét và giá bán hợp lý.
Nhược điểm: Kích cỡ của G Pro hơi lỡ cỡ và pin cạn hơi nhanh.
Kết luận: Dù thiếu bút cảm biến thì G Pro vẫn là một phablet xuất sắc nhờ sự kết hợp của cấu hình cao cấp với giá bán dễ chịu.
Ý kiến ()