10 nước HĐBA LHQ đề nghị điều tra các vụ tấn công cơ sở y tế tại Syria
Một phòng y tế tại tỉnh Idlib, Syria, sau vụ nã pháo ngày 30-4-2019.
Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Bỉ, Peru, Ba Lan, Kuwait, Cộng hòa Dominican và Indonesia báo cáo Tổng Thư ký LHQ, ít nhất 14 cơ sở y tế do LHQ bảo trợ nằm trong danh sách các cơ sở làm giảm nguy cơ xung đột đã bị hư hại hoặc phá hủy tại phía tây bắc Syria kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
“Do đó, chúng tôi kính đề nghị ông (Tổng Thư ký LHQ) xem xét việc mở cuộc điều tra của nội bộ LHQ nhằm làm rõ các vụ tấn công đã gây thiệt hại hoặc phá hủy các cơ sở do LHQ bảo trợ tại phía tây bắc Syria và báo cáo lại ngay lập tức”, 10 nước ủy viên HĐBA LHQ yêu cầu.
Người phát ngôn của ông Guterres, ông Farhan Haq xác nhận, đại diện của 10 nước ủy viên HĐBA LHQ đã gặp Tổng Thư ký LHQ và LHQ sẽ xem xét đề nghị này.
10 nước nêu trên cũng yêu cầu ông Guterres điều tra lý do vì sao cơ chế được gọi là giảm nguy cơ xung đột lại thất bại trong việc ngăn ngừa các vụ tấn công.
Trong thư gửi ông Guterres và HĐBA LHQ ngày 16-7, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari cho biết, khoảng 119 bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe đã không thể hoạt động kể từ khi bị rơi vào tay các nhóm khủng bố” cũng như “không còn phục vụ mục đích ban đầu và không thể được coi là bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe hay thậm chí là “khu vực dân sự” theo luật nhân đạo quốc tế”.
Ba tháng trước, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bắt đầu mở cuộc tấn công nhằm vào thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy. Theo số liệu của LHQ, cuộc tấn công này khiến ít nhất 450 người thiệt mạng và hơn 440 nghìn người đi di tản.
HĐBA LHQ đang bế tắc về vấn đề Syria vì 2/5 nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết thể hiện lập trường ủng hộ Tổng thống Assad trong suốt tám năm xung đột bùng phát tại Syria.
Theo Nhandan
Ý kiến ()