10 năm thi hành Luật Xuất bản: Còn nhiều khoảng trống về pháp lý
Bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, Luật Xuất bản năm 2012 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cũng như phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn đã tạo đà tăng trưởng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Xuất bản bộc lộ một số hạn chế, trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày 25/11, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012 để đánh giá tác động tích cực cũng như thẳng thắn nhìn nhận các thiếu sót về hành lang pháp lý.
‘Lỗ hổng’ trong quản lý sách điện tử
Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng đây là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua; đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết; đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra những khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới.
“Những năm gần đây, chúng ta đã có nền tảng xuất bản xuyên biên giới song pháp luật vẫn còn thiếu nhiều quy định. Việc xuất bản ra nước ngoài cũng cần nghiên cứu thêm để bổ sung hành lang pháp lý. Hội nghị này là dịp để ‘xới xáo’ các vấn đề, tìm cách thắt chặt lại các ‘mắt xích’ trong dây chuyền xuất bản,” ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Báo cáo chung về tình hình thi hành luật trong 10 năm qua, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên thừa nhận rằng bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, Luật Xuất bản năm 2012 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cũng như phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn.
“Một số quy định trong Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật,” ông Nguyễn Nguyên khẳng định.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Nguyên cho rằng một số quy định về xuất bản điện tử mới chỉ có quy định khung, chưa chi tiết cụ thể: Thiếu các quy định về xử lý mối quan hệ giữa phát hành xuất bản phẩm điện tử và các hình thức hoạt động thư viện số, thư viện điện tử; thiếu quy định về hoạt động kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet, sàn thương mại điện tử; chưa có quy định việc cấp phép đối với xuất bản tài liệu không kinh doanh trên môi trường điện tử…
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí với quan điểm này. Cụ thể, Luật Xuất bản năm 2012 đã dành hẳn chương V để quy định về việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, xác định đây là hình thức mới ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, các điều khoản trong luật còn chưa theo kịp sự chuyển biến mạnh mẽ của loại hình xuất bản này.
Theo ông Lê Hồng Sơn, phạm vi khái niệm xuất bản phẩm điện tử cần được bổ sung làm rõ. Ví dụ, trên thị trường hiện nay, ngoài dạng sách điện tử (online) đã xuất hiện những hình thái khác như sách nói (audio book), video book… Do đó, các hình thái sách này cũng cần sớm luật hóa để căn cứ thực hiện đúng quy định.
Trong tham luận của mình, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng bày tỏ mong muốn có hành lang pháp lý thuận lợi để hoạt động xuất bản điện tử phát triển lành mạnh và đúng định hướng
Ông Phạm Minh Tuấn cho rằng Luật Xuất bản vẫn còn thiếu quy định và biện pháp cụ thể để đưa hoạt động xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin tiến kịp với các nước khác trên thế giới.
“Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio book, mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm E-learning (số hóa bài giảng), video… thậm chí kết hợp tất cả các định dạng đó trong một xuất bản phẩm: Sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (bút chấm đọc). Vì vậy, việc điều chỉnh quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thay đổi, cập nhật,” ông Phạm Minh Tuấn nói.
Hình sự hóa hành vi làm sách lậu
Cùng với sự phát triển của các loại hình xuất bản điện tử, hành vi vi phạm bản quyền lại càng nhức nhối hơn bao giờ hết. So với việc in lậu sách giấy, hành vi phát tán sách điện tử tràn lan trên mạng phức tạp và khó xử lý hơn nhiều.
Do đó, nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và bảo vệ độc giả.
Bà Nguyễn Kim Thoa, người sáng lập hệ thống Nhà sách Tân Việt cho rằng quyền tác giả và quyền sở hữu cần được chú trọng và cần có chế tài xử phạt mạnh hơn bởi việc in lậu sách, quảng cáo bán sách hiện gây ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu các công ty làm xuất bản chân chính.
Bà kiến nghị: “Cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ việc sao chép, sản xuất các sản phẩm xuất bản để kinh doanh, trục lợi, thu lợi bất chính mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu sản phẩm là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và cần được xử lý theo quy định của Luật Hình sự về sản xuất, buôn bán hàng giả.”
Đóng góp ý kiến trong tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho rằng Cục Xuất bản, In, Phát hành cần xem xét lại những quy định pháp luật có liên quan, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý triệt để tình trạng xuất bản phẩm điện tử lậu.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý quốc gia về an ninh mạng nên có cơ chế lọc, xoá bỏ và tổ chức phạt vi phạm đối với những trang web cố ý kinh doanh, cung cấp xuất bản phẩm điện tử lậu,” ông Nguyễn Thành Nam cho biết./.
Ý kiến ()