10 lời khuyên vàng của chuyên gia dinh dưỡng để phòng, chống Covid-19
Covid-19 là bệnh do virus gây ra, lây lan rất nhanh trong cộng đồng và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ ít bị lây nhiễm hơn và nếu có nhiễm virus thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn, nhanh hồi phục hơn những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng kém.
Mới đây, Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam đã xây dựng cuốn sách “Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng Covid-19” nhằm cung cấp các thông tin khoa học về dinh dưỡng trong phòng, chống Covid-19 – dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, theo bệnh mạn tính hiện đang mắc). Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa Covid-19.
GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế đánh giá tài liệu hướng dẫn cộng đồng về chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao tình trạng dinh dưỡng và miễn dịch trong thời kỳ dịch đang xảy ra hiện nay rất kịp thời. Cuốn sách bao gồm các hướng dẫn thực hành chế độ dinh dưỡng cho các lứa tuổi, các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính. Cuốn sách cũng đề cập việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa dịch, trong điều kiện giãn cách xã hội.
Dưới đây là 10 lời khuyên vàng mà cuốn sách gửi thông điệp đến người dân:
1. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể. Dinh dưỡng cung cấp các nguyên liệu cho cơ thể con người, tạo ra hệ miễn dịch, do đó chúng ta cần thường xuyên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và lối sống lành mạnh, trong đó có tập luyện thể lực đều đặn. Không có loại thực phẩm nào có thể ngay lập tức nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
2. Ăn đủ số lượng thực phẩm theo khuyến nghị Tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi cho người Việt Nam. Không nên sử dụng quá mức bất cứ một loại thực phẩm nào, vì có thể gây hại cho cơ thể.
3. Hằng ngày, chúng ta cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, sử dụng các thực phẩm bắt buộc bổ sung vi chất theo Nghị định 09/2016/NĐCP ngày 28-1-2016 của Chính phủ và các thông tư của Bộ Y tế: Muối bổ sung i ốt; Bột mì bổ sung sắt và kẽm; Dầu ăn bổ sung vitamin A.
4. Đối với người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính – đối tượng nguy cơ cao nhất trong mùa dịch, cần được cung cấp đủ thực phẩm: Chế độ ăn đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, tránh sụt cân, suy dinh dưỡng và tuân thủ chế độ dinh dưỡng đã được chỉ định phù hợp tình trạng bệnh lý.
5. Uống nước đủ theo khuyến cáo của từng lứa tuổi, uống nước ấm và chia nhiều lần trong ngày.
6. Thực hiện các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống nước đun sôi.
7. Tập thể dục đều đặn, ngay cả khi ở trong nhà.
8. Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc, tinh thần lạc quan.
9. Trong điều kiện giãn cách xã hội hiện nay, cần linh hoạt, khéo léo tổ chức bữa ăn gia đình để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, ngon miệng, vệ sinh, kết hợp với luyện tập thể lực hàng ngày tại nhà để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng để chống dịch lâu dài.
10. Đối với các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch (nhân viên y tế, bộ đội, công an…) thì càng cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ngon miệng để bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()