10 cơ quan cùng cam kết giảm 20% tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước
Phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Hôm nay (25/7), tại Hà Nội, 10 bộ, ngành và cơ quan gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã cùng ký kết kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030.
Kế hoạch liên ngành được ký kết nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em, hướng tới mục tiêu giảm 20% tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2030. Lễ ký kết là hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước 25/7 năm nay với chủ đề “Hãy hành động để phòng chống đuối nước.”
Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Ngay từ đầu mùa Hè năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện đôn đốc, chỉ đạo các bộ ngành, chính quyền địa phương tích cực hành động, triển khai các giải pháp cụ thể để giảm thiểu đuối nước cho trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết mục tiêu cụ thể của kế hoạch liên ngành tập trung vào 5 chỉ tiêu và chỉ số sau: Giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước; tăng số cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và giám sát của trẻ em; tăng số trẻ em từ 6-16 tuổi được tiếp cận các dịch vụ và được biết các kỹ năng kiến thức phòng tránh đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; mở rộng và có thêm nhiều môi trường an toàn tại gia đình tại trường học tại cộng đồng để phòng chống đuối nước trẻ em; tăng các cơ sở các thiết chế tổ chức dạy bơi, vui chơi, giải trí dưới nước thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Tại lễ ký kết, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực hợp tác liên ngành về phòng chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam dưới sự điều phối của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Bà Kelly Larson, Giám đốc Chương trình Phòng chống đuối nước và An toàn giao thông, Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) đánh giá: “Chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự cam kết rất mạnh mẽ trong việc triển khai chương trình cũng như đảm bảo sự bền vững và tham gia của các ban ngành, đoàn thể Việt Nam nhằm đạt được kế hoạch trong phòng chống thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021-2030.”
Trong ba năm qua, Quỹ Bloomberg đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Dự án đã lựa chọn can thiệp tại 12 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao trên cả nước và ưu tiên các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, có nhiều người dân tộc thiểu số. Dự án đã dạy bơi an toàn cho trên 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi đã được dạy bơi an toàn, gần 33.000 trẻ em dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Dự án hỗ trợ lắp đặt mới 14 bể bơi và huy động hơn 55 bể bơi địa phương để tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em./.
Ngày 25/7 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước nhằm nâng cao nhận thức về gánh nặng của đuối nước cũng như các biện pháp can thiệp hiệu quả, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn chủ đề của Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước năm 2022 là “Hãy hành động để phòng chống đuối nước”. Với chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới phát đi lời kêu gọi về 3 cấp độ hành động thiết thực cho mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và từng cá nhân. |
Ý kiến ()