09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2020-2021
Ảnh minh họa |
Mục tiêu xuyên suốt trong 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Chỉ thị nêu rõ, cần quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế mang tính đặc thù, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ này. Đặc biệt, cần thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học.
Bên cạnh quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, ngành Giáo dục tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Chỉ thị yêu cầu, tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.
Năm học 2020-2021 cũng chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động giáo dục và trải nghiệm; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Cụ thể, chỉ thị nêu rõ 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 bao gồm:
1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước;
2. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;
3. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên;
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;
5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT;
6. Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục;
7. Hội nhập quốc tế trong GDĐT;
8. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT;
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo chỉ thị, 05 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT;
2. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GDĐT;
3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT;
4. Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục;
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT.
Ý kiến ()