Công ty Nhiệt điện Na Dương: Nan giải bài toán giải phóng, tiêu thụ tro xỉ
- Hiện lượng tro, xỉ (chất thải sau quá trình đốt than để sản xuất điện)của Công ty Nhiệt điện Na Dương còn tồn tại bãi chứa thuộc địa phận xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình vào khoảng hơn 5,4 triệu tấn. Việc giải phóng, tiêu thụ tro, xỉ gặp khó khăn khiến trữ lượng bãi chứa tro, xỉ rộng 9,64ha ngày càng quá tải. Điều này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại về môi trường, cũng như nguy cơ sạt lở tro xỉ khi trời mưa bão.
Bãi chứa tro, xỉ của Công ty Nhiệt điện Na Dương rộng 9,64 ha đã quá tải từ nhiều năm qua. Để giải quyết việc đổ thải tro, xỉ, công ty đã phải sử dụng máy ủi san phẳng, sử dụng máy lu để lèn để tạo thêm tầng. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã đổ thải tro, xỉ 2 tầng kín khu đất 9,64 ha và đang đổ thải tro xỉ tầng thứ 3 khoảng 3 ha/9,64 ha. Hiện độ dày hai tầng tro, xỉ tại bãi chứa đã cao hơn 10 m (chưa tính khu vực đổ tầng 3).
Ông Chu Mạnh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sàn Viên chia sẻ: Toàn bộ khu vực bãi chứa tro, xỉ nằm trong khu vực thuộc địa bàn xã Sàn Viên, trên thực tế, khi có gió thường có nhiều bụi bay vào khu vực sinh hoạt, sản xuất của người dân. Cùng đó, khi trời mưa, nước thải kèm theo bùn đất từ bãi chứa tro, xỉ vẫn chảy thẳng vào khu vực ruộng, vườn của bà con, điều này ảnh hưởng đến năng suất một số cây trồng của người dân. Đồng thời, việc bãi chứa tro, xỉ được đổ cao 2 - 3 tầng khiến chính quyền xã cũng rất lo lắng về nguy cơ có thể xảy ra sạt lở khi thời tiết mưa to, kéo dài nhiều ngày.
Được biết, dự án Bãi thải tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương có quy mô thiết kế trên diện tích 162 ha. Theo dự kiến, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 sử dụng diện tích đất làm bãi chứa tro xỉ là 57,93 ha (46,68 ha làm bãi thải; 11,25 ha làm hồ lắng môi trường và đập số 3). Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc về mặt bằng, cũng như vướng mắc về những thủ tục pháp lý liên quan nên đến nay, diện tích đất sử dụng bãi chứa tro, xỉ chỉ có 9,64 ha.
Ông Hà Quang Thứ, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương cho biết: Diện tích 9,64 ha không đủ để công ty đảm bảo việc đổ thải tro, xỉ thải ra trong quá trình sản xuất, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, việc giải phóng tro, xỉ của công ty nhiều năm qua gần như chưa làm được, vì thế, lượng tro, xỉ trong bãi chứa ngày một lớn hơn.
Theo Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương, công ty cũng đã kiến nghị UBND huyện Lộc Bình cho phép mở rộng bãi chứa tro, xỉ theo đúng như quy hoạch đã được phê duyệt (tháng 9/2023) nhưng do vướng một số thủ tục pháp lý liên quan như: thẩm định hồ sơ đất đai, môi trường, hồ sơ bàn giao đất... nên việc mở rộng diện tích bãi chứa tro, xỉ là chưa thể triển khai trong một sớm, một chiều. Việc cấp thiết nhất thời điểm này là phải giải phóng, tiêu thụ lượng tro, xỉ đang tồn tại bãi chứa.
Qua tìm hiểu, tro, xỉ từ than đốt phục vụ sản xuất điện có thể bán cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (phụ gia để sản xuất xi măng), làm đường giao thông. Và tro, xỉ của Công ty Nhiệt điện Na Dương đã được Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng cấp chứng nhận sản phẩm tro, xỉ phù hợp tiêu chuẩn làm phụ gia khoáng cho xi măng và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu phục vụ làm đường giao thông.
Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương cho biết thêm: Về mặt lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, tại Việt Nam có rất ít doanh nghiệp sản xuất xi măng thu mua tro, xỉ từ các công ty nhiệt điện để làm phụ gia sản xuất xi măng. Đồng thời, các đơn vị thực hiện dự án đường giao thông cũng chưa sử dụng tro, xỉ để làm vật liệu phục vụ việc làm đường. Chính vì thế, mặc dù đã đi liên hệ nhiều đối tác nhưng việc tiêu thụ tro, xỉ của công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ rất ít.
Không những vậy, do sử dụng than có lượng lưu huỳnh lớn, vì vậy, quá trình đốt phải cho thêm nhiều đá vôi để đốt dẫn đến tro, xỉ có lẫn bột đá vôi do vậy khó sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Cùng đó, việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu trong quá trình làm đường giao thông cũng cần nhiều các vật liệu khác kèm theo và khi nghiệm thu phải đánh giá khá phức tạp, vì thế các đơn vị làm đường giao thông vẫn hướng đến sử dụng các loại vật liệu truyền thống để làm đường.
Theo thống kê của Công ty Nhiệt điện Na Dương, từ năm 2005 đến nay, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ được khoảng 100 nghìn tấn. Việc tiêu thụ tro, xỉ gặp nhiều khó khăn dẫn đến lượng tro, xỉ tồn nhiều năm chưa được tiêu thụ ngày một lớn. Bởi công ty hằng năm phát thải từ 350 đến 400 nghìn tấn tro, xỉ/năm sau quá trình đốt than để sản xuất điện. Việc giải phóng tro, xỉ tại bãi chứa đang là bài toán nan giải của Công ty Nhiệt điện Na Dương.
Ý kiến ()