Làm thế nào cải thiện chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam?
Chỉ số Phát triển du lịch giảm 7 bậc so với năm trước mặc dù toàn ngành đã và đang nỗ lực phục hồi hậu đại dịch. Như vậy, những nỗ lực vẫn là đủ, du lịch Việt cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Việt Nam xếp thứ 59/119 điểm đến về chỉ số Phát triển du lịch (TTDI), giảm 7 bậc so với năm trước, xếp sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đây là kết quả do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96 trên 7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1 của năm 2021.
Sự sụt giảm thứ hạng này trong bối cảnh du lịch Việt đang nỗ lực vực dậy sau đại dịch COVID-19. Toàn ngành du lịch đã và đang khởi động nhiều chiến dịch kích cầu nhằm góp phần quảng bá, phục hồi ngành công nghiệp không khói. Vậy, làm thế nào để du lịch Việt cải thiện chỉ số năng lực phát triển?
“Soi” các chỉ số cạnh tranh của du lịch Việt
Theo khung đánh giá mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trong khu vực cũng bị tụt hạng như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc, Campuchia giảm 1 bậc. Trong khi đó, Indonesia, Lào giữ nguyên hạng, Philippines tăng 1 bậc.
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47). Việt Nam xếp trên Philippines (69), Campuchia (86), Lào (91). Brunei không có trong danh sách xếp hạng.
Đáng chú ý, mặc dù chỉ số phát triển chung có giảm nhưng Việt Nam vẫn có 4 chỉ số trong nhóm hàng đầu thế giới (hạng 1-35). Chỉ số có thứ hạng tốt nhất tiếp tục là Sức cạnh tranh về giá (hạng 16); An toàn, an ninh (23); Tài nguyên tự nhiên (26); Tài nguyên văn hóa (28) tiếp tục được đánh giá cao.
Bảy chỉ số trụ cột của du lịch Việt nằm trong nhóm hạng trung bình cao (hạng 36-70) của thế giới gồm có: Tài nguyên phi giải trí (hạng 38); Hạ tầng hàng không (43); Nhân lực và thị trường lao động (49); Sự bền vững về nhu cầu du lịch (54); Hạ tầng mặt đất và cảng (54); Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (57); Môi trường kinh doanh (65). Như vậy 11/17 chỉ số trụ cột của Việt Nam được xếp hạng từ trung bình cao đến hàng đầu thế giới.
Sáu chỉ số của Việt Nam rơi vào hạng trung bình thấp và thấp của thế giới (hạng 71-119), gồm có: Hạ tầng và Dịch vụ du lịch (hạng 80); Mức độ mở cửa du lịch (80); Y tế và vệ sinh (81); Sự bền vững về môi trường (93); Mức độ ưu tiên cho du lịch (98); Tác động kinh tế-xã hội của du lịch (115).
Có 5 chỉ số tăng hạng gồm: Sức cạnh tranh về giá (tăng 4 bậc); Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (tăng 3 bậc); Hạ tầng và Dịch vụ du lịch (tăng 4 bậc); Mức độ mở cửa du lịch (tăng 2 bậc); Y tế và vệ sinh (tăng 1 bậc).
Tuy nhiên, một số chỉ số trụ cột tụt hạng mạnh như: Hạ tầng hàng không giảm 17 bậc; Sự bền vững về nhu cầu du lịch giảm 24 bậc. Hai chỉ số mới khung đánh giá đều xếp hạng thấp: Mức độ mở cửa du lịch xếp hạng 80; Tác động kinh tế-xã hội của du lịch xếp hạng 115.
Cải thiện chỉ số năng lực phát triển du lịch cách nào?
Theo đề xuất từ Cục Du lịch Quốc gia, thời gian tới, ngành du lịch cần phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ số liệu cập nhật về du lịch Việt Nam cho Diễn đàn Kinh tế thế giới để đánh giá đúng tác động kinh tế - xã hội của du lịch cũng như chính sách thị thực của Việt Nam.
Ngành du lịch tiếp tục phát huy các thế mạnh nổi trội của Việt Nam về sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, mức độ an toàn, an ninh; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở các địa phương.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh đối với một số chỉ số bị tụt hạng nhiều như chỉ số Hạ tầng hàng không (giảm 17 bậc), cần kiến nghị ngành hàng không tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế cung ứng, mở rộng kết nối mạng bay trong và ngoài nước, giảm giá vé máy bay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Để cải thiện chỉ số Sự bền vững về nhu cầu du lịch (giảm 24 bậc), ngành du lịch cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách du lịch quốc tế tăng thời gian lưu trú tại Việt Nam; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm để giảm tính mùa vụ của du lịch quốc tế; phát triển thêm các điểm đến mới, điểm đến thứ cấp nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại một số trọng điểm du lịch.
Theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia, đối với một số hạn chế đã tồn tại qua nhiều kỳ báo cáo như chỉ số Y tế và vệ sinh (hạng 81) và Sự bền vững về môi trường (hạng 93), cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các địa phương trong việc triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh tại điểm đến theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” như Nghị quyết 82 của Chính phủ đã nêu.
Với các nhóm trung bình cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng như: Tài nguyên phi giải trí, Nhân lực và thị trường lao động, Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông... cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch theo hướng hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất…/.
10/119 điểm đến toàn cầu có điểm số du lịch cao nhất theo thứ tự có: Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Australia, Đức, Anh, Trung Quốc, Italy, Thụy Sĩ. TTDI là bản nâng cấp của chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch của WEF công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch Covid-19. WEF bắt đầu nghiên cứu và công bố bảng xếp hạng này từ năm 2007. Bộ chỉ số được xếp hạng dựa trên 5 nhóm chính gồm môi trường hoạt động, chính sách và điều kiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, sự bền vững của du lịch. 5 chỉ số trên chia thành 17 lĩnh vực để chấm điểm như an ninh, an toàn; y tế và vệ sinh; chính sách mở cửa; hạ tầng du lịch, vận chuyển; tài nguyên tự nhiên, văn hóa; bền vững của môi trường. 17 lĩnh vực này được hình thành dựa trên hơn 100 tiêu chí nhỏ khác. Bảng xếp hạng công bố năm 2024 được WEF thực hiện với 119 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2023. |
Ý kiến ()