Ký ức Trường Sơn trong trái tim người lính
- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lạng Sơn có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, góp sức mình vào công cuộc thống nhất đất nước. Chiến tranh đã đi qua nhưng những âm hưởng hào hùng vẫn còn đó, đọng lại trong lòng mỗi người lính Trường Sơn biết bao kỷ niệm, cảm xúc.
Những ngày giữa tháng 5/2024, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với những người lính Trường Sơn năm xưa đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Kể về những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong mắt những người lính năm ấy như bừng sáng, từng ký ức được xâu chuỗi lại thành những câu chuyện rất đỗi tự hào.
Sống mãi ký ức Trường Sơn
Đại úy Hứa Việt Trì (sinh năm 1954, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) nhập ngũ tháng 3/1972, sau vài tháng huấn luyện ở Bắc Giang thì được phân công đi học khoá lái xe ngắn ngày tại Trường lái xe Quân khu Việt Bắc. Học xong, chàng chiến sĩ trẻ nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Ông được phân công vào Tiểu đoàn 871, Trung đoàn 17 thuộc Sư đoàn 571, nhận nhiệm vụ lái xe chở lương thực, quân tư trang, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu.
Kể với chúng tôi, ông Trì vẫn nhớ như in: Năm ấy, chiến trường Trường Sơn ác liệt, máy bay địch gầm rú, ném bom liên tục, đường Trường Sơn gập ghềnh bởi bom cày đạn xới. Để không bị máy bay địch phát hiện, chúng tôi phải lái xe vào ban đêm, đi trên những cung đường một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, đèn xe tuyệt đối không được bật, ánh sáng dẫn đường cho đoàn xe là chiếc đèn gầm, đèn rùa và “ngọn lửa” của tình yêu Tổ quốc trong trái tim. Mỗi chiếc xe đều phải nguỵ trang thật kỹ, đôi khi đồ nguỵ trang nặng bằng một nửa trọng tải hàng hóa trên xe. Ấy thế mà xe vẫn băng băng tiến lên phía trước.
Vừa kể lại với chúng tôi, ông Trì vừa ngân nga những câu thơ trong bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Không có kính, rồi xe không có đèn/Không có mui xe, thùng xe có xước/Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong xe có một trái tim".
Với tinh thần kiên cường, quả cảm, mặc cho mưa bom, bão đạn, người lính lái xe Trường Sơn năm ấy vẫn vững vàng tay lái, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao mà không một phút giây run sợ. Đối với ông Trì, hàng hoá trên xe là những thứ mà chiến trường đang rất cần, vì vậy, việc giữ gìn, bảo vệ an toàn cho xe là ưu tiên số một.
Đi qua nhiều cung đường, phục vụ chiến đấu trong nhiều năm, ông Trì bị phơi nhiễm chất độc da cam. Dù vậy, ông vẫn luôn tự hào vì đã góp sức mình để bảo vệ Tổ quốc. Phục vụ chiến đấu đến hết năm 1975, sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông Trì ra Hà Nội. Năm 1980, ông nhận nhiệm vụ đi học sĩ quan, sau đó về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Nay, dù đã 70 tuổi nhưng ông Trì vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hiện ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.
Còn đối với người lính thông tin Phạm Văn Luận (sinh năm 1955, trú tại thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn), những ngày phục vụ chiến đấu nơi rừng thiêng, nước độc ở chiến trường Trường Sơn vô cùng khó khăn, những bữa ăn rau rừng, cá suối, giấc ngủ vội trên cánh võng hay những cơn sốt rét đến run người... là kỷ niệm không thể quên về năm tháng khốc liệt, gian khổ. Ông Luận nhập ngũ tháng 8/1973, sau 2 tháng nhập ngũ, ông hành quân vào chiến trường miền Nam. Ông là chiến sĩ thông tin thuộc Tiểu đoàn 35, Trung đoàn 99, thuộc Bộ Tư lệnh 559, nhiệm vụ hằng ngày của ông là nhận và truyền thông tin đến các đơn vị.
Đến tháng 1/1975, ông Luận chuyển sang Tiểu đoàn 73, Cục Cầu đường thuộc Bộ Tư lệnh 559, làm nhiệm vụ bắc cầu phà, cầu phao để đoàn xe, đoàn quân di chuyển, chi viện cho chiến trường. Ông Luận nhớ lại: Ngày ấy, địch ngày đêm bắn phá, rải bom mìn khiến những cây cầu bắc qua sông bị tàn phá. Để đảm bảo bộ binh cơ giới, các đoàn xe kịp thời chở vũ khí, đạn dược đến tiền tuyến, chúng tôi phải di chuyển cùng các cánh quân đến các khu vực để bắc cầu phao qua sông. Nhiệm vụ đòi hỏi phải nhanh chóng, khẩn trương, không cản trở bước tiến của quân ta, vì vậy chúng tôi phải bắc cầu bất kể ngày hay đêm.
Di chuyển liên tục, đi qua nhiều nơi địch tàn phá, ông Luận bị phơi nhiễm chất độc da cam. Dẫu vậy đối với ông, được cống hiến thanh xuân bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự vô cùng to lớn. Phục vụ chiến đấu đến sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 toàn thắng, ông Luận trở lại miền Bắc học tập và nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn đến năm 2000 thì nghỉ hưu.
Không chỉ 2 cựu chiến binh trên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng nghìn người con của quê hương Xứ Lạng đã góp sức tham gia và phục vụ chiến đấu. Trong đó, hàng trăm thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn; lực lượng dân công hoả tuyến tham gia vận chuyển hàng hoá, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường; lực lượng bộ đội thông tin, công binh thì trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhờ đó, trong suốt 16 năm chống Mỹ cứu nước (từ năm 1959 đến 1975), các chiến sĩ Trường Sơn đã kiên cường chống chọi với trên 733.000 lượt oanh kích của không quân Mỹ, hàng triệu tấn bom đạn các loại; làm nên hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, gần 17.000 km đường xe cơ giới, phá huỷ 78.000 hố bom, tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch... làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong suốt 16 năm chống Mỹ cứu nước (từ năm 1959 đến 1975), các chiến sĩ Trường Sơn đã kiên cường chống chọi với trên 733.000 lượt oanh kích của không quân Mỹ, hàng triệu tấn bom đạn các loại; làm nên hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, gần 17.000 km đường xe cơ giới, phá huỷ 78.000 hố bom, tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch... làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh lịch sử. |
Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn
Giờ đây, khi hoài niệm về những năm tháng ấy, những cựu chiến binh Trường Sơn đang sinh sống tại mảnh đất biên cương Xứ Lạng cảm thấy may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh là được trở về và từng ngày chứng kiến quê hương, đất nước đổi mới, phát triển. Trở về với đời thường, họ đã và đang tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, dù ở cương vị nào cũng đều gương mẫu, ra sức cống hiến, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Ông Lý Danh Nông, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh cho biết: Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hàng trăm cựu chiến binh Trường Sơn, tháng 8/2016, Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh được thành lập với mục đích tạo không gian cho các cựu chiến binh giao lưu, chia sẻ, ôn lại quá trình tham gia chiến đấu tại Trường Sơn, hơn hết là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về tình cảm, vật chất và tinh thần. Hiện, hội quy tụ trên 550 hội viên là cựu lính Trường Sơn trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Hằng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động góp phần nâng cao đời sống hội viên; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, giữ gìn, phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Những người lính Trường Sơn năm xưa luôn gương mẫu và bảo ban các thành viên trong gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn; tham gia hệ thống chính trị tại địa phương. Hiện cả tỉnh có 38 người lính Trường Sơn tham gia cấp uỷ, chính quyền các cấp; hằng năm trên 95% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; số hộ hội viên khá và giàu chiếm trên 40%... Trong 5 năm qua, các hội viên đã đóng góp để xây mới, sửa chữa 20 nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; ủng hộ phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng, chống COVID-19 trên 170 triệu đồng; tặng gần 350 suất quà cho hội viên khó khăn với tổng trị giá trên 100 triệu đồng.
Ông Nông Quốc Toán, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh thành phố Lạng Sơn cho biết: Tổ chức hội của thành phố hiện có 120 hội viên. Phát huy truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, 100% hội viên trên địa bàn đều gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực đóng góp, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn qua các hình thức như: tặng quà tết, chăn ấm, tặng sổ tiết kiệm... Qua đó nhằm động viên, khích lệ hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hằng năm, để ôn lại kỷ niệm, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống, Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức từ 1 đến 3 đoàn thăm lại chiến trường Trường Sơn, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị); Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức kể chuyện truyền thống; thành lập câu lạc bộ văn nghệ Bộ đội Trường Sơn để tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, hát về Trường Sơn tại các khu dân cư... Qua đó nhằm động viên thế hệ hôm nay không ngừng thi đua, rèn luyện, góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người lính đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Trường Sơn. Cảm xúc, tình cảm của họ với đồng đội chưa bao giờ phai mờ. Nhớ về những năm tháng oanh liệt đó, họ càng cố gắng đóng góp nhiều công sức, trí tuệ hơn nữa để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh trong thời bình.
Ý kiến ()